kkkk

Chân dung Thầy Cô Khoa Ngữ Văn

"Còn mãi bên đời" một trí thức tận hiến!
PGS, TS Trương Thị Diễm đột ngột giã từ cõi tạm vào ngày 8-8-2015, thì đến ngày 24-9, cuốn sách Trương Thị Diễm, còn mãi bên đời được xuất bản với hơn 150 trang.

"Còn mãi bên đời" một trí thức tận hiến!
PGS, TS Trương Thị Diễm đột ngột giã từ cõi tạm vào ngày 8-8-2015, thì đến ngày 24-9, cuốn sách Trương Thị Diễm, còn mãi bên đời được xuất bản với hơn 150 trang.
d

Không những được trình bày đẹp, trang nhã, mà cuốn sách còn tập hợp nhiều bài viết, tư liệu, cảm xúc trọn vẹn của nhiều đồng nghiệp, thầy giáo, học trò, người thân và bạn bè dành cho chị - “một người bạn chân thành. Một người thầy tâm huyết. Một người con hiếu thảo. Một nhân cách cứng cỏi. Một tâm hồn độ lượng. Hơn hết, đấy là, một con người tử tế”… mà nhóm biên soạn đã ghi ở đầu sách.

Thật ra, anh Huỳnh Văn Hoa, người phụ trách nhóm biên soạn, đã trao đổi với tôi ngay trong lễ tang của chị và những ngày sau đó về ý định ấn hành cuốn sách này. Tôi cũng chia sẻ cùng anh đôi ba ý kiến. Nhưng đặc san tưởng niệm này khi ra đời đã tạo cho tôi nhiều bất ngờ.

Bởi lẽ, ngoài các bài viết, cảm xúc của người thân, đồng nghiệp, thì những thông tin về sự nghiệp, công trình khoa học và cả những sáng tác, bài viết của Diễm để lại, cho thấy sức làm việc hết sức dữ dội, nghiêm túc và một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm, luôn hướng về cái đẹp của nhà khoa học nữ tài hoa này.

Với 49 tuổi đời, 27 năm công tác và nghiên cứu, Trương Thị Diễm đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, ngữ văn cấp Bộ và trường đại học, 25 công trình nghiên cứu đã công bố về nhiều lĩnh vực ngôn ngữ và 6 cuốn sách có giá trị.

Trong điếu văn đưa tiễn chị, Giám đốc Đại học Đà Nẵng GS, TS Trần Văn Nam đã nói: “ Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, chị chưa bao giờ xao lãng trách nhiệm của mình”. Một đồng nghiệp và là người cháu gọi chị bằng dì nói: “Dì làm việc như cứ sợ thời gian hết đi, ham học như sợ người khác học hết phần, say sưa nghiên cứu như sợ không có người nghiên cứu…”.

Còn anh Nguyễn Chính, chồng chị viết: “Chưa bao giờ em có một giấc ngủ ngon lành đúng nghĩa. Hình ảnh thường thấy ở em là em ngủ vật vạ khi chiếc laptop vẫn để trên người…”. “Việc của mình mà mình không làm thì ai làm cho! Ráng bữa này nữa thôi”, đó là lời của Diễm mỗi khi được chồng nhắc nhở. Nhưng rồi Diễm đã ra đi, cái “bữa này” đó không bao giờ còn nữa… Trong đau đớn tột cùng, Nguyễn Chính đã viết bài thơ Một nửa để tặng vợ nhưng cũng để tặng mình:

…Nửa kỷ niệm sao lấp đầy ký ức
   Nửa hình hài sao gọi tấm thân đây
   Sao em nỡ để lại anh một nửa
   Một nửa kia khuất lấp cuối chân ngày?

Hơn 50 bài viết về cố PGS,TS Trương Thị Diễm đầy xúc cảm và cho thấy mọi người đã yêu quý cái tài năng, tình cảm chân thành, nhiệt huyết của một nhà giáo, một trí thức, một người thầy, một người bạn đã ra đi vội vã. Diễm, với tâm hồn nhạy cảm, dường như đã tiên cảm được một lúc nào đó sẽ chia tay khi chị làm thơ về năm tuổi của mình và… gửi lời từ biệt:

Quờ tay níu chút vui rơi
Cảm ơn bè bạn gửi lời yêu thương!

Một con người tài hoa, chí tình đã ra đi ở cái tuổi “hạn số” như Diễm quả thật đã để lại khoảng trống khó bù đắp cho gia đình, đồng nghiệp, học giới và bạn bè. Bởi vậy, Còn mãi bên đời mà anh Huỳnh Văn Hoa, chị Đoàn Thị Nhỏ và các bạn đã thực hiện là một ấn phẩm đầy tình nghĩa, như một lời tri ân và nén hương tưởng niệm, thương tiếc một nhân cách sống, một trí thức tận hiến!

PGS,TS Trương Thị Diễm sinh năm 1967 tại xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; là nữ Phó Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Suốt 26 năm công tác tại Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, sau đó là Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), PGS,TS Trương Thị Diễm luôn là một cô giáo, một Trưởng khoa tâm huyết với khoa Ngữ văn; một Phó Hiệu trưởng mẫu mực, chính trực và đầy nhiệt huyết.

Theo đánh giá của GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, dù ở bất kỳ cương vị nào, PGS,TS Trương Thị Diễm cũng luôn nêu cao gương sáng của nhà giáo nhân dân, mẫu mực về đạo đức và nhân cách, về trách nhiệm và lòng tận tụy với công việc, về lối sống và cách ứng xử.

PGS,TS Trương Thị Diễm đã ra đi vào ngày 8-8-2015, để lại rất nhiều công trình khoa học có giá trị.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 
Nguồn: Báo Đà Nẵng


(*) Đọc Trương Thị Diễm, còn mãi bên đời, NXB Đà Nẵng, 9-2015).

Thầy ơi!
AT -  Thầy ơi! Thế là đã một năm, ba tháng, hai mươi mốt ngày con xa thầy, xa mái trường mến yêu. Nay con đã trở về với dòng sông bến nước quê hương. Nhưng trái tim con một nửa đã ở lại Đà Nẵng rồi.

Thầy ơi! Với viên phấn trắng, giờ đây con đang theo bước thầy trồng những mầm xanh, gieo những hồng tươi, trải những nét trắng trong lên bảng đen giữa cuộc đời. Con đang mang ngọn lửa thầy truyền cho con, thắp lên những mặt trời nơi lũy tre làng! Thầy ơi! Giờ con đã được gọi là thầy. Trên bục giảng, mỗi lần bụi phấn rơi rơi con lại nhớ đến thầy, nhớ đến những ân nghĩa thầy dành cho con, đã thành một phần của đời con. Trước học trò, con hay nhắc về thầy, mắt chúng tròn xoe như nghe truyện cổ tích giữa đời thường thầy ạ!

n
 

Thưa thầy ạ! Con đã kể cho học trò nghe về lần đầu tiên con được gặp thầy, về những ân nghĩa thầy đã dành cho con. Chắc thầy không nhớ bởi thầy đã đưa biết bao chuyến đò, mà chuyến nào thầy cũng đưa bằng cả con tim, cũng chắp cho chúng con những đôi cánh tin yêu, vững vàng tung bay khắp phương trời!

Thầy ơi! Con còn nhớ như hôm qua, nhớ như in lần đầu tiên con được gặp thầy. Hôm đó con lên khoa lấy thư, con chào thầy (thực ra lúc đó con chưa biết thầy là ai, vì con mới ở quê lên nhút nhát), thầy hỏi con: "Chú Din dạo này thế nào, khỏe không?". Con ngạc nhiên "Sao thầy lại biết mình nhỉ?". Sau này con mới nhớ ra, trong một lần báo cáo đề tài khoa học về văn hóa, thầy đã hỏi con: "Theo em, tại sao trong văn hóa ẩm thực với người Trung Hoa xì dầu là đặc trưng, còn với người Việt lại là nước mắm?". Thế mà thầy còn nhớ đến con, con lại quên thầy!

Chính chiều hôm lên khoa đó, thầy đã mời con đi uống nước để hỏi han về cuộc sống của con. Con không ngờ thầy lại biết nhiều về hoàn cảnh khó khăn của con như vậy. Lúc đó, con chưa để ý mấy đến sự quan tâm của thầy, lòng con bối rối bởi vì trong túi con không có một đồng nào, chẳng nhẽ lại để thầy trả tiền cho mình.

Và cuối cùng, con đã thú thực với thầy: "Thầy ơi! Hôm nay con không còn đồng nào cả, thầy trả tiền cho con với thầy nhé!". Con không thể nào quên được nụ cười hiền từ của thầy lúc bấy giờ! Thầy đã đưa tiền cho con không phải là để con trả mà là "chú cầm tạm chút mà tiêu pha, thầy hiểu hoàn cảnh của chú mà, trước đây thầy cũng như chú thôi".

Lúc đó con ngạc nhiên lắm. Sau này con mới biết cuộc đời thầy đã trải qua biết bao sóng gió, còn hơn trăm lần con. Từ hai bàn tay trắng, bằng mồ hôi nước mắt thầy mới có được như ngày hôm nay. Thầy nói thầy đã nhìn thấy thầy ngày xưa ở trong con!

Từ đó, lúc nào thầy cũng động viên, an ủi, thắp lên ngọn lửa tin yêu, ngọn lửa sống trong con, giúp đỡ con cả về vật chất lẫn tinh thần. Cứ dăm bữa thầy lại cho con tiền, lại gọi con đến nhà thầy cô cho con ăn vì sợ con nghèo túng ăn uống kham khổ thiếu chất không đủ sức để học. Thầy ái ngại khi con suốt ngày quần quật đi làm thêm. Thầy lo cho con, sợ con kiệt sức đau ốm. Thầy bảo: "Chú phải giữ gìn sức khỏe, cố học cho tốt, mai kia chú ra trường khi đó tha hồ mà làm".

Thỉnh thoảng thầy lại đưa cho con bộ quần áo. Thầy bảo: "Đấy là quần áo của thầy. Chú mặc tạm, đừng ngại nhé”. Mặc những bộ quần áo của thầy, con thấy lòng mình nao nao khó tả lắm thầy ạ. Giờ đây con giữ những bộ quần áo ấy như báu vật, bởi đó là kỷ niệm đẹp nhất một thời thầy dành cho con.

Con còn nhớ nhiều lần gặp con, thầy gọi con lại, bẻ lại cho con chiếc cổ áo.Thầy bảo: "Chú phải chú ý ăn mặc chứ, chỗ thầy trò mình không sao, còn người ngoài người ta hay để ý đến hình thức lắm. Quen sợ dạ, lạ sợ áo mà”... Tình thương thầy dành cho con luôn âm thầm và lặng lẽ. Ngày con ra trường, thầy bảo: "Chú ở đây với thầy". Đó là điều con hằng ao ước. Nhưng con lại phải tạm biệt khúc ruột miền Trung để trở về quê hương, về với cha già, mẹ yếu, đàn em thơ.

Tối hôm con xuống chào thầy cô, chỉ có cô nói chuyện với con, còn thầy lặng thinh không nói gì. Đưa con ra cổng thầy buột miệng: "Tiếc nhỉ!". Thầy đã siết chặt tay con: "Chú giữ gìn sức khỏe, có bất cứ khó khăn gì cứ gọi cho thầy". Thầy ơi! Hơi ấm đôi bàn tay thầy đã làm bồi hồi mãi tim con. Chắc thầy không biết, rời nhà thầy được 10 phút con lẳng lặng quay lại. Thấy thầy vẫn đứng lặng thinh một mình, con đã khóc rồi lặng lẽ quay đi thầy ạ!

Thầy ơi! Con biết những gì thầy dành cho con không phải là sự thương hại mà là tấm lòng yêu thương của một người thầy chân chính dành cho học trò của mình. Thầy ạ, đã rất nhiều lần con muốn thưa với thầy: "Con luôn coi thầy như người cha của con". Và con tin chắc rằng thầy cũng coi con như là con của thầy.

Những khi bị cuộc sống bủa vây, con luôn thầm gọi "Thầy ơi!", khi đó con lại thêm vững vàng hơn, dù chỉ là tiếng gọi trong lòng! Nhiều khi nhớ thầy, nhớ mái trường thân thương, nhớ Đà Nẵng mến yêu, nhớ đến quay quắt, con vùng chạy ra sân chỉ gặp toàn mây trời. Con ao ước được làm đám mây một chiều về thăm lại thầy. Thầy ơi! Nhất định một ngày gần nhất con sẽ về thăm thầy, thăm lại nửa trái tim con ở Đà Nẵng thân thương - nơi có thầy, nơi có những tháng ngày làm nên một phần cuộc đời con!   

LƯU VĂN DIN(GV THPT Trần Nhân Tông, Nghĩa Hưng, Nam Định) 

Nguồn: Áo Trắng số 21 (ra ngày 15-11-2009)

Trao giải thưởng cho hai chuyên gia chữ Nôm
TT - Ngày 16-10 tại Huế, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm đã trao giải thưởng thường niên 2011 Balaban cho ông Phan Anh Dũng - chuyên gia lập trình của Trung tâm Công nghệ phần mềm Huế.

t
 

 

Chuyên gia Phan Anh Dũng (phải) và ThS Nguyễn Hoàng Thân - Ảnh: M.T.

 Ban tổ chức cho biết giải thưởng này nhằm tôn vinh những đóng góp của ông Dũng cho việc “mang chữ cổ trở lại với hiện đại”, cụ thể là phần mềm Việt - Hán Nôm giúp nhập các ký tự chữ Nôm trên máy tính một cách dễ dàng. Ngoài ra, ông Dũng còn phát triển từ điển tra cứu trực tuyến Hán - Nôm - Việt, phần mềm và trang web hỗ trợ chữ của dân tộc Thái và Chăm.

Cũng dịp này, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm còn trao giải thưởng học giả trẻ chữ Nôm cho ThS Nguyễn Hoàng Thân - giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm được thành lập năm 1999 tại Mỹ với mục đích cung cấp các công cụ tin học để truy nhập và trao đổi các văn bản chữ Nôm. Hội gồm nhiều thành viên là nhà thơ, nhà ngôn ngữ, chuyên gia tin học... Giải thưởng mang tên Balaban là tên một giáo sư người Anh, cựu chủ tịch của hội này.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

VĂN PHÒNG KHOA NGỮ VĂN

SĐT VPK: 0236 3841323 (Line 128)

Email: khoavandanang@ued.udn.vn

Địa chỉ: Tầng 2, nhà B1, phòng 203

      Các Trưởng Bộ môn:

  • Trưởng Bộ môn Báo chí:
    Th.S, GVC Phạm Thị Hương     

    Điện thoại: 0905.560.668     
    Email: pthuong@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn LL&PPDH Ngữ văn: 
    TS. Hồ Trần Ngọc Oanh   
    Điện thoại: 0905289023         
    Email: htnoanh@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam: 
    TS. Bùi Bích Hạnh     
    Điện thoại: 0911748222     
    Email: bbhanh@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ: 
    PGS.TS. Trần Văn Sáng       
    Điện thoại: 0914051576        
    Email: tvsang@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn LLVH, Văn hoá học, VH nước ngoài: 
    TS. Nguyễn Thanh Trường  
    Điện thoại: 0916.940.188
    Email: nttruong@ued.udn.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây