Quê hương thứ hai của sinh viên Lào

Thứ tư - 02/05/2018 07:24

Quê hương thứ hai của sinh viên Lào

Mỗi sinh viên Lào có một lý do riêng khi chọn đến Đà Nẵng học tập, nhưng điểm chung của họ là đều xem Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình.
v

Chị Phonexay Thongthavivong (bên phải) trao đổi bài với sinh viên người Việt ở lớp 14SGC của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Nữ Trung úy Phonexay Thongthavivong 32 tuổi- sinh viên lớn tuổi nhất lớp 14SGC của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), vốn là y tá công tác trong một đơn vị quân đội ở Lào nhưng cô lại yêu thích nghề sư phạm. Đã có chồng và hai con trai nhỏ nhưng cô vẫn quyết tâm “khăn gói” đến Việt Nam học chuyên ngành Sư phạm giáo dục chính trị.

“Ở đây giá cả rẻ hơn bên Lào và mọi người rất thân thiện nên mình rất thích. Mình thích nhất món lẩu hải sản và ếch xào”, Phonexay Thongthavivong bộc bạch.

Cô cho biết, khi mới sang Đà Nẵng, cô cũng gặp một số khó khăn do chưa quen khí hậu và chưa thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, nhờ giao tiếp nhiều với sinh viên Việt Nam, vốn tiếng Việt của cô khá hơn từng ngày. Hiện nay, khi đã là sinh viên năm thứ 5, cô có thể giao tiếp bằng tiếng Việt khá trôi chảy mà không cần phiên dịch.

Phonexay Thongthavivong cho biết trong chương trình học, cô thấy khó nhất là môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Triết học. “Có nhiều chỗ mình chưa hiểu, các bạn Việt Nam cùng lớp giảng lại cho mình rất tận tình đến khi mình hiểu mới thôi”, cô nói. Những lúc nhớ nhà, cô thường ngắm hình ảnh chồng, con và gọi điện thoại về. Dù xa gia đình nhưng cô không cảm thấy cô đơn vì xung quanh có nhiều người bạn và thầy cô Việt Nam đến trò chuyện để cô quên đi nỗi buồn.

Còn khá trẻ và là một trong 3 học sinh được nhà trường nước sở tại cử đi học lớp 14SGC của Trường Đại học Sư phạm (ĐHĐN), Thonglatsamy Sommay (22 tuổi, người Lào) cũng ấp ủ ước mơ được làm thầy giáo. Sommay cho biết, khi mới sang Việt Nam, do chưa biết tiếng Việt nên mỗi khi tự đi chợ mua thức ăn, anh thường nhờ người đứng cạnh mua hộ.

Từ chỗ rụt rè, ít nói, sau 5 năm học ở Việt Nam, giờ đây Thonglatsamy Sommay đã trở nên hoạt bát và nói tiếng Việt khá lưu loát. Bạn Nguyễn Thị Hậu, sinh viên cùng lớp được phân công giúp đỡ Thonglatsamy Sommay cho biết:

“Sommay rất hiền lành và thật thà. Sommay cũng thường hay kể chuyện ở Lào, về khí hậu bên Lào chỉ có 2 mùa chứ không phải 4 mùa như ở Việt Nam”. Thonglatsamy Sommay cho biết, anh mong muốn học tốt để trở về xây dựng quê hương Lào.

“Tôi và nhiều sinh viên Lào sang đây học đều coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Ở đây, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tận tình của các bạn, sự chỉ bảo ân cần của các thầy cô giáo. Nếu không hiểu chỗ nào, về nhà tôi thường điện thoại hỏi và được các giáo viên chỉ dẫn cụ thể. Mỗi ngày được sống ở Việt Nam đối với chúng tôi là một trải nghiệm thú vị và là kỷ niệm không thể nào quên”, Thonglatsamy Sommay tâm sự. Anh cho biết thêm, ký túc xá rất sạch đẹp, có wifi nên khá tiện lợi.

TS Phạm Quý Mười, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Trường Đại học Sư phạm, một trong những đơn vị tại Đà Nẵng có số lượng học sinh Lào theo học đông nhất cho biết, từ năm 2006 đến nay, nhà trường có 771 lưu học sinh Lào tham gia học tiếng Việt và 69 lưu học sinh học đại học tại trường, 34 người học thạc sĩ. Đa số các em đến từ các tỉnh Nam Lào như Savanakhet, Attapu, Sekong, Vientiane...

Lâu nay, nhà trường đã biên soạn 2 tập giáo trình “Tiếng Việt thực hành” dùng riêng cho lưu học sinh Lào, bên cạnh bộ giáo trình “Tiếng Việt cho người nước ngoài”, “Tiếng Việt nâng cao”... “Lưu học sinh Lào cũng như nhiều lưu học sinh các nước được ở trong ký túc xá của trường miễn phí với trang thiết bị đầy đủ. Mỗi sinh viên Lào có một sinh viên Việt Nam giúp đỡ để làm quen với môi trường sống và học tốt hơn”, TS Mười nói.

TS Mười cho biết thêm, hằng năm, nhà trường còn tổ chức chương trình homestay (ở nhà dân) để lưu học sinh Lào có thể hiểu thêm về nếp sống văn hóa và con người Việt Nam. Đồng thời, mỗi dịp Tết cổ truyền của người Việt hay Tết của người Lào, các ký túc xá của trường đều tổ chức văn nghệ giao lưu Việt - Lào với nhiều tiết mục văn nghệ do sinh viên hai nước tự biên, tự diễn.

Theo thông tin từ ĐHĐN, kể từ khóa đầu tiên (năm 2002) đến nay, có hơn 1.000 lưu học sinh Lào đã và đang theo học các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học tại ĐHĐN. Trong đó, có 373 sinh viên được thành phố hỗ trợ học bổng, 1 trường hợp được ĐHĐN miễn học phí. Hầu hết các lưu học sinh Lào tốt nghiệp đều được bố trí công tác tại các cơ quan chủ chốt tại Lào. Thời gian qua, ĐHĐN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Lào nhằm phối hợp nghiên cứu, giảng dạy.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VĂN PHÒNG KHOA NGỮ VĂN

SĐT VPK: 0236 3841323 (Line 128)

Email: khoavandanang@ued.udn.vn

Địa chỉ: Tầng 2, nhà B1, phòng 203

      Các Trưởng Bộ môn:

  • Trưởng Bộ môn Báo chí:
    Th.S, GVC Phạm Thị Hương     

    Điện thoại: 0905.560.668     
    Email: pthuong@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn LL&PPDH Ngữ văn: 
    TS. Hồ Trần Ngọc Oanh   
    Điện thoại: 0905289023         
    Email: htnoanh@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam: 
    TS. Bùi Bích Hạnh     
    Điện thoại: 0911748222     
    Email: bbhanh@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ: 
    PGS.TS. Trần Văn Sáng       
    Điện thoại: 0914051576        
    Email: tvsang@ued.udn.vn

  • Trưởng Bộ môn LLVH, Văn hoá học, VH nước ngoài: 
    TS. Nguyễn Thanh Trường  
    Điện thoại: 0916.940.188
    Email: nttruong@ued.udn.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây