Từ dịch sai…
“Dịch thuật chữ Hán còn mang tính chủ quan. Hầu như quyển nào xuất bản cũng xảy ra sai sót về phiên âm, lỗi kiến thức. Chuyện dịch sai lặp đi lặp lại, do người dịch sau vô tình “ăn cắp” cái sai của người dịch trước…”, dịch giả Trần Phước Tuấn, người tham gia hiệu đính các văn bản chữ Hán trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập” nhận xét về vấn đề dịch thuật hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên, Trần Phước Tuấn tỏ ra gay gắt khi phản ánh tình hình dịch thuật văn bản chữ Hán hiện nay. Có vốn chữ Hán khá, thường xuyên đọc sách Hán tự cổ, Trần Phước Tuấn không khó phát hiện lỗi về phiên âm, dịch nghĩa. Đơn cử, khi đọc quyển Thi tù tùng thoại Huỳnh Thúc Kháng (Nguyễn Q.Thắng chủ biên) do NXB Văn hóa-Thông tin phát hành năm 2001, ông không khỏi giật mình khi phát hiện vô vàn cái sai từ cuốn sách này. Theo đó, có 569 chữ Hán in sai, 391 chữ phiên âm sai, 538 chữ Hán bị bỏ sót, 500 chữ phiên âm bị bỏ sót... Theo ông, nguyên tác Thi tù tùng thoại được Huỳnh Thúc Kháng viết bằng Hán văn, tuyển tập những bài thơ và câu chuyện của anh em bạn tù chính trị trong 13 năm (1908-1921) bị đày ở Côn Đảo. Vì thế, với những sai sót trên, chắc chắn sẽ làm người đọc hiểu thiếu, hiểu sai về tác phẩm này.
Từng tham gia phục hồi thanh danh Cao Bá Quát qua việc dịch thơ ông, nhà nghiên cứu Thái Trọng Lai (tên thật Võ Văn Lại) kể rằng, ông rất bất bình với những giai thoại thô thiển, dung tục, cố ý “té nước theo mưa” của một số dịch giả. Ví như, hai câu thơ trong bài Bệnh trung của Cao Bá Quát viết: “Chuyết thê ỷ chẩm sơ bồng mấn/Trĩ tử thiên y tạ khúc quăng”, được dịch giả Nguyễn Quý Liêm dịch là “Tựa gối vợ đần tung tóc chải/Lôi tay con nhỏ ngã đầu nằm”. Theo cách hiểu này, khi chồng đau, người vợ chỉ lo chăm chuốt tóc tai của mình, còn đứa con thơ thì nhõng nhẽo, gây phiền hà người cha đau ốm. Trong khi, đúng ra phải dịch “Vợ vụng chải giùm đầu tóc rối/Con thơ dắt hộ khuỷu tay nhăn” mới sát với văn bản, ngữ cảnh. Theo ông Lai, phải dịch như vậy bởi những bài thơ viết về vợ khác của Cao Bá Quát, ông đã âu yếm ví bà là viên ngọc quý Long Châu. Vì thế, không có chuyện vợ ông đểnh đoảng, không chịu chăm sóc chồng lúc ốm đau, bệnh tật.
…đến hiểu sai
Nhiều dịch giả ở Đà Nẵng chia sẻ, việc dịch sai như trên diễn ra thường xuyên do lỗi kiến thức của người dịch cũng như độc giả của loại sách này quá ít, gây tâm lý chủ quan. Độc giả không rành chữ Hán khi đọc sách dịch, chỉ đọc phần quốc ngữ hay đọc nhanh, đọc lướt cho xong chuyện. Văn bản Hán Nôm chủ yếu là văn bản viết tay, chủ yếu là chữ thảo nên việc nhận dạng chữ dễ bị nhầm lẫn dẫn đến phiên âm sai, dịch sai. Sách công cụ trong lĩnh vực Hán Nôm ở Việt Nam khá ít. Một chữ Hán có thể có nhiều nghĩa, người nghiên cứu tham khảo các nghĩa đó để sử dụng phù hợp vào bản dịch, vì thế khó có thể phản ánh đúng tinh thần nội dung nguyên tác. Khi đụng đoạn “bí”, người biên tập thường dịch qua loa, đại khái mà không bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu để dịch đúng, dịch đủ.
Th.S Nguyễn Hoàng Thân, Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, Hán Nôm học là ngành liên kết con người hiện đại, xã hội hiện đại với lịch sử cổ, trung đại Việt Nam. Hơn nữa, văn bản Hán Nôm ghi chép lại mọi vấn đề của cuộc sống, liên quan đến nhiều ngành khoa học khác. Muốn nghiên cứu, tìm hiểu về quá khứ của dân tộc thường phải dựa vào các văn bản dịch. Người nghiên cứu sử dụng văn bản dịch không chính xác vào quá trình nghiên cứu dẫn đến kết quả nghiên cứu không đúng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo vì không phải ai cũng có văn bản gốc để đọc rồi so sánh, đối chiếu. Người giỏi Hán Nôm ngày càng ít. Kiến thức của sinh viên chưa đủ để nhận ra cái nào sai, cái nào đúng mà chỉ học theo những gì sách đã viết. Vì thế, bản dịch không chuẩn xác sẽ làm sai lệch nội dung văn bản gốc của người xưa, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nền tảng văn hóa, tư tưởng của cha ông thông qua loại chữ viết này.
Cần có trình độ chữ Hán
Ở Đà Nẵng, người yêu thích văn bản Hán-Nôm hẳn biết Đỗ Hữu Thanh, người chuyên dịch gia phả, bi ký ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Gần 50 tuổi, có lẽ anh là người nhỏ tuổi nhất trong giới đọc thông, viết thạo loại chữ này. Sinh ra trong một gia đình nho giáo, từ nhỏ, anh đã tìm tòi, tự học với mục đích đọc được những tài liệu bằng chữ Hán do tổ tiên để lại. Hơn 20 tuổi, Đỗ Hữu Thanh có đủ vốn chữ để viết lại toàn bộ gia phả 16 đời của dòng họ Đỗ Hữu, dịch toàn bộ phổ hệ ra hai thứ tiếng Hán Nôm và quốc ngữ. Thời gian này, anh chú tâm sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật những qui tắc, nghi lễ của làng, tộc. Ngoài ra, anh cũng góp công lớn trong việc hệ thống lại những tài liệu, viết Phổ chí làng Thái Lai với ngôi đình cổ làm cơ sở xin thành phố công nhận đình làng Thái Lai là Di sản lịch sử-Văn hóa cấp thành phố năm 2010.
Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình tìm đến anh nhờ viết lại gia phả nhiều đời trước. Đến nay, anh hoàn thành khoảng 36 bộ gia phả tộc họ, và dịch hàng trăm sắc phong, bi ký, lịch sử địa phương, hoành phi, liễn đối, bia mộ… từ văn bản Hán Nôm. Về điều này, anh nói: “Trong quá trình dịch gia phả, tôi đi xác minh và phát hiện ra nguồn gốc một số dòng họ đã thất lạc nhiều năm. Ví như tộc Nguyễn Văn ở làng Đông Lai, thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn nhờ làm gia phả mà biết được gốc của mình trước đây là tộc Nguyễn Phước ở làng Cẩm Văn, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Với văn bản Hán-Nôm, dịch thuật mang tính chất “mở trí”, càng dịch, càng biết nhiều, học hỏi nhiều kinh nghiệm của người đi trước”.
Tương tự, với lòng đam mê Hán-Nôm, ông Trần Phước Tuấn đã nghiên cứu cho ra đời “Bảng tra cách đánh chữ Hán (âm Việt) theo mã Thương Hiệt”, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay công trình này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Theo ông, muốn dịch tốt, trước hết, cần phải có trình độ chữ Hán, có vốn tiếng Việt phong phú và sử dụng tốt phương tiện dịch thuật hỗ trợ như từ điển, vi tính. Ngoài ra, người dịch cần nhẫn nại, chu đáo và có ý thức trách nhiệm với công việc của mình. Ví dụ, muốn dịch tròn trịa bộ Giá Viên toàn tập của Phạm Phú Thứ, nhà nghiên cứu phải mất 10 năm cần mẫn làm việc. Nếu không có tính kiên nhẫn, tuân theo trình tự nhất định, làm lớt phớt, sẽ cho ra đời một tác phẩm nhiều sai sót.
Đi tìm tư liệu viết bài này, có một điều khiến chúng tôi trăn trở, độc giả của loại sách này, giờ chỉ còn người lớn tuổi, làm công tác nghiên cứu hoặc sinh viên cần tìm hiểu để bổ sung cho nội dung học tập của mình. Liệu, đây có phải là nguyên nhân khiến sách dịch Hán Nôm hiện nay sai sót nhiều, nhưng không một cơ quan nào đứng ra đánh giá hay hiệu đính.
TIỂU YẾN
Nguồn: Báo Đà Nẵng cuối tuần
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn