NGHIÊN CỨU CÁCH CHÚ THÍCH TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN TRUNG HỌC
Từ văn học trung đại cho đến văn học hiện đại, từ văn xuôi đến thơ trữ tình, tất cả những từ cần chú thích và mang tín hiệu thẩm mỹ đều được tác giả giải nghĩa một cách chân xác và có trách nhiệm
Trong thực tế dạy học ngữ văn nhiều năm, khi đến phần giảng từ khó ở trong phần chú thích, nhiều lúc tôi cảm thấy áy náy với học trò. Bởi tôi biết rằng phần giảng của mình chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa" và học trò hầu như ít em hiểu được. Tôi cố gắng tìm kiếm nhiều tài liệu liên quan đến bài học để bổ sung thêm kiến thức cho mình, qua đó truyền tải đến học trò. May mắn thay, cuốn sách "Nghiên cứu cách chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học", NXB Đà Nẵng - của TS Bùi Trọng Ngoãn đã giúp tôi hóa giải phần nào những băn khoăn ấy.
Có thể xem đây vừa là một công trình khoa học vừa là một cuốn tài liệu tham khảo đầy bổ ích và lý thú. Người đọc dễ dàng nhận ra sự kỳ công và nghiêm túc của tác giả. Để "xác quyết" (chữ của TS Bùi Bích Hạnh) khái niệm "chú thích" thôi, tác giả đã tham khảo và trích dẫn hơn 10 cuốn sách, đồng thời dành ra hơn 30 trang để diễn giải một cách kỹ càng, thấu đáo. Bây giờ, người đọc đã có thể hiểu và phân biệt được những khái niệm mà nhiều người còn rất mơ hồ như: chú, chú thích, chú giải, bị chú, kê...
Trong chương 2, tác giả đã dành gần 80 trang để nghiên cứu về cách chú thích trong sách giáo khoa hiện hành. Chương cuối cùng là những đề xuất về việc chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học. Tuy tác giả chỉ đề xuất chú thích cho 7 bài học: "Hịch tướng sĩ" (Trần Quốc Tuấn), "Phú sông Bạch Đằng" (Trương Hán Siêu), "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" (Nguyễn Đình Chiểu), "Trao duyên" (trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du), "Hạnh phúc của một tang gia" (Vũ Trọng Phụng), "Vợ nhặt" (Kim Lân), "Đất nước" (trích "Mặt đường khát vọng" - Nguyễn Khoa Điềm) nhưng người đọc có thể thấy được khối lượng tri thức đồ sộ. Từ văn học trung đại cho đến văn học hiện đại, từ văn xuôi đến thơ trữ tình, tất cả những từ cần chú thích và mang tín hiệu thẩm mỹ đều được tác giả chú thích giải nghĩa một cách chân xác và có trách nhiệm.
Xin lấy ra đây một số ví dụ: Từ "con đỏ" trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", sách giáo khoa Ngữ văn 11 nâng cao chỉ chú thích "con đỏ": ở đây chỉ nhân dân (trang 33) mà không chú cơ chế chuyển nghĩa của từ. Còn trong cuốn sách của TS Bùi Trọng Ngoãn, tác giả chú thích: con đỏ: sách cũ thường gộp 4 tiếng "dân đen con đỏ". Dân đen (lê dân) là dân không có mũ (quan), tóc để trần, tức là thường dân. Con đỏ tức là hài nhi chưa có khả năng tự vệ, nên con đỏ cũng được dùng để ẩn dụ về nhân dân (trang 214). Có hiểu cặn kẽ nghĩa của từ "con đỏ" như vậy, học sinh mới có thể thấu hiểu được tình cảnh bi thương của nhân dân ta trong cơn binh biến loạn lạc. Hoặc như từ "mọc sừng" trong bài "Hạnh phúc của một tang gia" được tác giả chú rất rõ ràng: "Mọc sừng: Tiếng lóng: những người chồng có vợ đi theo người khác không khác gì bị vợ và tình nhân của vợ xem như các con thú ăn cỏ, đầu có sừng, vóc lớn nhưng đần độn" (trang 226). Bây giờ, người đọc đã có thể thấy rõ được sự ngu si đến mức đần độn của ông Phán "mọc sừng". Hay như câu thơ "Gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân" trong bài "Đất nước" được tác giả giải nghĩa một cách cụ thể ở trang 238: "Vì cuộc mưu sinh, phải tìm đất mới khai canh lập nghiệp nhưng cha ông xưa vẫn thường dùng tên làng cũ cho quê mới như một cách giữ gìn cội nguồn (ví dụ tên làng Hải Châu ở Đà Nẵng là tên làng Hải Châu ở Thanh Hóa)". Còn có rất nhiều ví dụ như thế nữa mà người đọc có thể tự mình chiêm nghiệm được thông qua cuốn sách.
D. Diderot đã từng nói: "Có 2 cách làm khoa học, một là làm tăng thêm kho tri thức nhân loại bằng những phát hiện mới và những người này được vinh dự mang danh hiệu nhà phát minh; hai là gắn kết, sắp xếp những phát hiện mới để nhiều người được tiếp cận và mỗi người theo năng lực của mình tham gia làm rạng rỡ thời đại mình". Thiết nghĩ, tác giả Bùi Trọng Ngoãn đã làm được cả hai điều ấy.
MAI DUY TRUNG (Báo Người lao động giới thiệu)
ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ - VĂN HÓA CỦA ĐỊA DANH NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY THỪA THIÊN HUẾ
Ở Việt Nam đã từng có không ít các công trình, đề tài, bài viết nghiên cứu địa danh. Đó có thể là các công trình, đề tài, bài viết nghiên cứu địa danh theo hướng tiếp cận địa lí - lịch sử - văn hoá. Về điều này, có thể nói đến “Dư địa chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí”,… hay “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra)”, “Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ”,… Song đó cũng có thể là công trình, đề tài, bài viết nghiên cứu địa danh từ cách tiếp cận ngôn ngữ học. Trong khoảng những năm 60 thế kỷ XX trở lại đây, các vấn đề về địa danh và lí luận về địa danh học ở Việt Nam mới được quan tâm một cách đầy đủ hơn. Khởi đầu của cách tiếp cận này có thể kể đến bài viết “Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông” (1964) của tác giả Hoàng Thị Châu. Trong vài ba chục năm trở lại đây, đã từng có một số đề tài khoa học, luận án, luận văn, bài viết của một số tác giả: Lê Trung Hoa (1991, 2000, 2002, 2006, 2011), Nguyễn Kiên Trường (1996), Từ Thu Mai (2004), Trần Văn Dũng (2005), Phan Xuân Đạm (2005), Trần Trí Dõi (2005, 2009), Hoàng Tất Thắng (2003),... nghiên cứu về địa danh các địa phương ở nước ta. Có thể nói đây là những đề tài, công trình, bài viết có những đóng góp không nhỏ góp phần xác lập khuynh hướng nghiên cứu địa danh dưới góc nhìn ngôn ngữ học. Tuy nhiên, khi phân loại địa danh ở các địa phương, các công trình, đề tài, bài viết chỉ nói tới các địa danh có nguồn gốc khác nhau mà không một tác giả nào dám đi sâu nghiên cứu đặc điểm cấu trúc, ý nghĩa, văn hóa tộc người của các địa danh có nguồn gốc dân tộc thiểu số bởi đây là một vấn đề quá khó.
Tuy không phải là người sinh ra ở Thừa Thiên Huế, song anh Trần Văn Sáng đã có không ít năm học tập, giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ học tại mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Tình yêu đối với mảnh đất và con người ở đây cùng lòng say mê nghiên cứu địa danh đã “lôi kéo” anh đi vào thực hiện đề tài luận án tiến sĩ “Địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Tây Thừa Thiên Huế”. Bằng nghị lực và quyết tâm, tác giả đã nghiên cứu hệ thống địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số như Pa-cô, Ta-ôi, Cơ-tu ở Tây Thừa Thiên Huế. Với hệ thống tư liệu khá đầy đủ và phong phú, cùng với sự phân tích, nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ, và bằng những cảm nhận tinh tế, tác giả Trần Văn Sáng đã cho thấy được đặc điểm văn hóa của cư dân các tộc người người Pa-cô, Ta-ôi, Cơ-tu thông qua hệ thống địa danh có nguồn gốc từ các ngôn ngữ này. Và cũng chính từ đây, công việc của tác giả đã giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa, văn hóa của một số địa danh được phiên âm ra tiếng Việt hiện nay (cho dù đó là sự phiên âm bất quy tắc) từ các thứ tiếng này.
Mỗi địa danh đều được ra đời và hình thành gắn liền với đặc điểm văn hoá của chủ thể tạo nên chúng. Địa danh có nguồn gốc dân tộc thiểu số ở Tây Thừa Thiên Huế đã “cung cấp cho chúng ta những thông tin về không gian văn hoá trong địa danh, về văn hoá - tâm lí tộc người của chủ thể định danh, cũng như nguồn gốc dân cư của một vùng văn hoá, chủ thể tạo nên các địa danh đó”. Các địa danh gốc dân tộc thiểu số ở đây còn cho chúng ta biết được “các dân tộc khác nhau có sự phân chia thế giới hiện thực khách quan bằng ngôn ngữ cũng khác nhau,… hàm chứa trong nó những chế định về đặc điểm ngữ nghĩa, sự phản ánh tư duy ngôn ngữ của chủ thể định danh, thể hiện lối tư duy trực quan, cụ thể và đơn giản,… Đó cũng chính là những đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa được kí thác qua mỗi địa danh cùng các biến cố - sự kiện lịch sử đã xảy ra trên vùng đất cao nguyên”… cực nam Bắc Trung Bộ. Đây là những địa danh có nguồn gốc từ các thứ tiếng Pa-cô, Ta-ôi, Cơ-tu, những tộc người thiểu số nổi tiếng về sự quả cảm, hy sinh trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Công trình của tác giả Trần Văn Sáng đã có những đóng góp nhất định về lí luận và thực tiễn, bổ sung những tư liệu hết sức quan trọng về mối quan hệ ngôn ngữ - văn hóa - tộc người thông qua hệ thống các địa danh dân tộc thiểu số. “Việc nghiên cứu đặc trưng văn hoá của địa danh gốc DTTS ở Tây Thừa Thiên Huế đã góp phần đào sâu những tầng văn hoá ẩn chứa đằng sau các địa danh qua các thời kì khác nhau trong lịch sử của một vùng đất”. Tôi đánh giá cao những kết quả mà tác giả đã đạt được. Công trình của tác giả giúp ta hiểu và thêm yêu quý các địa danh Truồi, Mơ Pao, Đắc Krông, Aso, A Sầu, A Lưới,… đặc biệt là những địa danh tiếng Việt có tên Núi (pakoóh/ pakooh/ kakoong) ở đầu làm chúng ta lại liên tưởng và nhớ tới bài hát: Người con gái Pa Cô.
Hy vọng tác giả của công trình sẽ tiếp tục đem tình yêu để nghiên cứu địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở các vùng khác để làm rõ hơn mối quan hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa – tộc người của các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền trên cả nước. Tôi thực sự vui mừng với thành quả lao động khoa học của một người học trò, người bạn thân thiết.
Tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc này.
A Lưới, ngày 30 tháng 7 năm 2017
PGS.TS Đoàn Văn Phúc
Phòng Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam