Nghề báo đã chọn Xuân Dương

Thứ ba - 01/05/2018 23:14

Nghề báo đã chọn Xuân Dương

Xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn, Lê Thụy Xuân Dương (cựu sinh viên ngành Báo Chí – Khóa học 2012 - 2016, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) mang trong mình tâm hồn bay bổng, lãng mạn và yêu thơ văn. Nhưng từ khi quyết định đặt bút đăng kí vào chuyên ngành Báo chí (ĐHSP – ĐNĐN), con đường học vấn của Dương như bước sang một trang mới…
v

Lê Thụy Xuân Dương (nhân vật cung cấp)

Kỉ niệm những ngày là sinh viên báo chí
“Những ngày đầu đến lớp mình rất vui và hào hứng. Chắc do đặc thù ngành báo và nghề báo nên các bạn trong lớp ai cũng năng nổ, hoạt bát. Mình được các bạn bầu làm lớp trưởng lớp 12CBC1. Bên cạnh đó, chương trình học có các học phần liên quan đến văn học – sở trường của mình nên mình rất hào hứng và tin rằng quyết định đăng kí vào ngành Báo chí của mình là đúng đắn”, Xuân Dương nhớ lại.
Chia sẻ về con đường đi đến nghề báo của mình, Xuân Dương xúc động hồi tưởng lại những tháng ngày còn trên giảng đường: “Ngay từ đầu, mình định hướng sẽ theo báo in. Vì thế, mình chú trọng vào những học phần về ngôn ngữ, ngữ pháp, câu từ, về hoạt động của báo in… Gần 4 năm học, mình vẫn học đều các học phần nhưng tập trung hơn vào những nội dung liên quan đến báo in. Mãi cho đến năm 4, một “cái duyên” kì lạ khiến Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng trở thành cơ sở thực tập  tốt nghiệp của mình. Qua thời gian vừa học vừa làm tại đấy, mình dần nhận ra sở trường cũng như đam mê ở lĩnh vực truyền hình của bản thân”.  
Đó cũng là quãng thời gian đẹp nhất trong thời sinh viên của Xuân Dương. Khi thực tập ở đài, thầy Tạ Tuấn Anh – Giảng viên thỉnh giảng khoa Ngữ Văn – BTV - Phó phòng Chuyên đề - TTHVN tại Đà Nẵng – đã hướng dẫn, giúp đỡ Xuân Dương rất nhiều.
“Thầy chính là người giúp mình có cái nhìn bao quát và rõ ràng về mọi thứ. Lúc thực tập ở đài, mình có cơ hội vận dụng những điều đã học vào thực tế, đặc biệt là việc xây dựng các kịch bản chương trình truyền hình. Chính quá trình tác nghiệp này đã mang lại cho mình nhiều kiến thức quý báu cũng như cái nhìn thực tế hơn về nghề. Từ cách ứng dụng kịch bản, xử lý các tình huống phát sinh, dung hòa các mối quan hệ trong ê-kíp... Đặc biệt, chính những điều bất ngờ phát sinh trong quá trình quay đôi khi lại trở thành những điểm nhấn thú vị, độc đáo làm nên “nét duyên” của chương trình, nhất là những chương trình trải nghiệm thực tế như Atlas miền Trung”, Dương hào hứng chia sẻ.
Từ đó, Dương chuyển hẳn sang nghiên cứu truyền hình với khóa luận tốt nghiệp “Xu hướng thông tin mang tính giải trí (Infotainment) trong các chương trình tin tức trên kênh VTV1 Đài THVN” và một vài bài báo khoa học có liên quan.
Thế nhưng, sau tốt nghiệp, cơ duyên lại một lần nữa đưa đẩy Dương sang một ngã rẽ mới khi được thành phố phân công về công tác ở Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (ICT Đà Nẵng) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng.
“Học cách yêu thích những gì mình đang làm”
“Làm việc tại Tạp chí Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng gần 2 năm, mình học được rất nhiều điều. Với mình, nghề báo khá thú vị. Được đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Đặc biệt, với cơ hội phỏng vấn một ai đó, đôi khi vấn đề mình nhận được không dừng lại ở những thông tin đang cần mà là cả những câu chuyện đầy động lực có khả năng khơi dậy cảm hứng cho chính bản thân. Thực sự, đã có những người khiến mình cảm thấy may mắn khi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện”, Xuân Dương chia sẻ.
Điều làm Dương thấy thú vị nhất chính là sự trải nghiệm đa dạng các loại hình báo chí của mình trong quá trình học tập, thực tập và công tác từ báo in sang truyền hình đến báo mạng điện tử.
“Mình đã có quá trình đại học nghiên cứu báo in, một kỳ thực tập ở đài truyền hình nên khi làm việc ở một môi trường đa phương tiện như Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, mình có nhiều thể ứng dụng được rất kiến thức, kinh nghiệm đang có cũng như những cơ hội tốt để thử nghiệm, sáng tạo nhiều điều mới mẽ dựa trên việc tích hợp các loại hình, xây dựng và quảng bá tin bài trên môi trường mạng xã hội…”, Xuân Dương nói thêm về công việc của mình.
Hiện tại, công việc của Dương không chỉ đòi hỏi các kĩ năng để tác nghiệp mà còn cả kiến thức chuyên sâu về Công nghệ thông tin, Bưu chính – Viễn thông và các nội dung văn hóa – xã hội theo các chủ trương của thành phố như “Chương trình 4 an”, “Thành phố môi trường”…
Đặc biệt, dù tuổi nghề vẫn còn khá non trẻ, nhưng may mắn trở thành phóng viên tác nghiệp của “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”, với môi trường báo chí quốc tế chuyên nghiệp, năng động; không khí làm việc khẩn trương, nhanh chóng, Dương cũng đã được trải nghiệm nhiều điều quý giá về cả kỹ năng, thái độ, sức bền và ngoại ngữ. 
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm sau 2 năm tích góp, với Dương, điều quý giá nhất nghề báo mang đến cho mình ở thời điểm hiện tại chính là khả năng giao tiếp, kỹ năng tương tác với nhân vật khi tác nghiệp.
Nhìn lại công việc hiện tại của mình, Dương rành rọt nói: “Người ta hay nói nghề chọn người, nhưng bản thân mình không rõ báo chí chọn Xuân Dương thì có đúng không nữa. Nhưng hãy học cách yêu thích những gì mình đang làm. Đặc biệt là với nghề báo. Phải vui, phải thích, phải yêu thì mới gắn bó lâu dài được. Khó khăn là điều ai cũng đều phải gặp, vấn đề là cách mình chọn đối mặt như thế nào, vượt qua ra làm sao để trưởng thành hơn. “Nỗ lực chắc chắn sẽ được đền đáp”, tự nhủ với bản thân như vậy sẽ khiến mình thoải mái và tự tin hơn”. 
“Nắm vững các kiến thức thì mới có thể làm nghề tốt”
 “Xu hướng hiện nay đòi hỏi nhà báo đa năng, có khả năng tác nghiệp tốt trên các loại hình báo chí, đặc biệt là trong môi trường báo chí đa phương tiện. Hiện tại, các tòa soạn, cơ quan báo chí đều phát triển tích hợp từ 2 đến 3 loại hình. Vì thế, càng tích lũy được nhiều kỹ năng, càng lợi thế trong nghề”, Xuân Dương chia sẻ góc nhìn về xu hướng phát triển của báo chí.
“Tất cả các học phần trong khung chương trình đều rất quan trọng bởi mỗi học phần đều cung cấp cho chúng ta những kiến thức, kỹ năng khác nhau. Chẳng hạn, với phát thanh, mình sẽ học cách ngắt câu, cách đọc sao cho hay, diễn cảm, thu hút thì khi chuyển qua truyền hình, những kỹ năng đó cũng sẽ được vận dụng tương tự và linh hoạt hơn. Hoặc có những loại hình đệm lên nhau. Ví dụ khi viết câu tốt thì việc biên tập tin phát thanh, tin truyền hình sẽ thuận lợi hơn dù ngôn ngữ có chút khác biệt. Không những thế, việc tích lũy kĩ năng từ các học phần cũng sẽ cho mình cái nhìn toàn cảnh về nghề”, Dương giải thích thêm về sự quan trọng của các học phần trong khung chương trình đào tạo.

v

Xuân Dương trong một lần tác nghiệp (nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về sự cần thiết của ngoại ngữ với hoạt động báo chí, Xuân Dương khẳng định: “Sinh viên báo chí cần phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Không chỉ dừng lại ở Tiếng Anh, nếu có cơ hội chúng ta nên học thêm một vài ngôn ngữ khác như Nhật, Hàn, Thái, Trung… Đây sẽ trở thành một trong những lợi thế về cả kiến thức và kỹ năng giúp phóng viên không chỉ tác nghiệp ở các sự kiện quốc tế mà còn thuận lợi trong việc tìm kiếm đề tài, phối kiểm thông tin, đổi mới tư duy, mở rộng các mối quan hệ…”
 “Nghề báo sẽ đưa mình đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Bản thân mình có lợi thế tiếng Anh và tiếng Nhật nên công việc cũng trở nên khá thú vị”, Dương nhấn mạnh vai trò của ngoại ngữ với hoạt động nghề nghiệp.
“Bên cạnh ngoại ngữ, các bạn nên tìm hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực bản thân quan tâm hoặc yêu thích. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết giúp phóng viên khẳng định ngòi bút của mình qua những bài viết chuyên sâu, những góc nhìn và sự phát hiện mới lạ thay vì chỉ đưa tin chung chung vì thiếu kiến thức chuyên ngành”, Xuân Dương giải thích thêm về các kỹ năng mà sinh viên báo chí cần bổ trợ cho mình.
Những kiến thức trên giảng đường rất quan trọng trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, vì thế các bạn sinh viên báo chí phải nắm vững các kiến thức thì mới có thể làm nghề tốt được.
“Hãy luôn trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng về mọi mặt. Khi mình phỏng vấn nhân vật xong thì mình sẽ duy trì tốt mối quan hệ đó. Giữ gìn mối quan hệ với nguồn tin, với nhân vật cũng là một kỹ năng mà mình cần phải trau dồi và học hỏi. Chân thành vẫn là yếu tố quan trọng giúp mình giữ và duy trì các mối quan hệ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm truyền thông khi học báo cũng sẽ giúp mình rất nhiều cho công việc sau này, nhất là trong xu hướng truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay”, Xuân Dương nói.
Không chỉ nắm vững lý thuyết mà các bạn sinh viên nên bắt đầu nghiên cứu các tờ báo mà mình có dự sẽ kiến tập, thực tập tại đó.
“Chú ý đến đối tượng công chúng mục tiêu của bài viết để điều chỉnh lối viết, ngôn ngữ sao cho hợp lý để đạt hiệu quả truyền thông cao nhất. Bởi cùng một thông tin nhưng cách tiếp nhận thông tin của từng nhóm đối tượng lại khác nhau. Tốt nhất là các em nên trang bị “Lý luận báo chí” thật kỹ cho mình để tác nghiệp đúng hướng và tránh những sai phạm đáng tiếc”, Dương giải thích thêm.  
Khi gửi lời nhắn nhủ đến đàn em khóa sau, giọng Dương chắc chắn và chậm rãi: “Chọn ngành báo thì phải chấp nhận đối mặt với nhiều thách thức. Nghề này bao giờ cũng mới, không ngừng thay đổi nên lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng đương đầu. Cơ hội luôn có cho tất cả mọi người, quan trọng là chúng ta có đủ sự chuẩn bị để sẵn sàng tâm thế nắm bắt hay không. Đừng bao giờ từ bỏ! Làm báo vui đó rồi lại buồn đó nên chúng ta phải vững tâm, luôn cố gắng trau dồi kiến thức. Hãy học và thử sức mình khi có cơ hội. Nghề báo là nghề của sự gặp gỡ, những cuộc gặp gỡ tạo khơi nguồn bao cảm hứng và chính những cảm hứng đó tạo nên những đổi thay. Vì vậy, hãy luôn tự hào khi mình là sinh viên ngành báo”.

 

“Tất cả các học phần trong khung chương trình đều rất quan trọng bởi mỗi học phần đều cung cấp cho chúng ta những kiến thức, kỹ năng khác nhau. Không những thế, việc tích lũy kĩ năng từ các học phần cũng sẽ cho mình cái nhìn toàn cảnh về nghề. Xu hướng hiện nay đòi hỏi nhà báo đa năng, có khả năng tác nghiệp tốt trên các loại hình báo chí, đặc biệt là trong môi trường báo chí đa phương tiện. Hiện tại, các tòa soạn, cơ quan báo chí đều phát triển tích hợp từ 2 đến 3 loại hình. Vì thế, càng tích lũy được nhiều kỹ năng, càng lợi thế trong nghề” – Lê Thụy Xuân Dương.
 
 
Lê Thụy Xuân Dương
Năm sinh: 1994
Học tập: Tốt nghiệp chuyên ngành Cử nhân Báo chí – trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Cơ quan công tác: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (ICT Đà Nẵng)
Sở thích:
  • Nghe, dịch nhạc và các chương trình truyền hình Nhật Bản
  • Viết, đọc sách, quay phim, chụp hình
Kinh nghiệm:
  • Tham gia viết tin, bài trên website trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.
  • Cộng tác viên của HTV3 (từ 2014 đến nay)
  • Dịch giả và biên tập viên tại Ikinari fansub cùng một vài subteam, fanpage Nhật Bản khác
  • 08/2015 : Tình nguyện viên lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Đà Nẵng
  • 11/2015: Tham gia hội thi “Kỹ năng nghề nghiệp” do trường Đại học       Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tổ chức
Thành tích:
  • 2009 - 2012: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (lớp chuyên Văn)
  • 2012: Thủ khoa đầu vào chuyên ngành Cử nhân Báo chí; thủ khoa khối D1 trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN.
  • 2014: Nhận chứng nhận tốt nghiệp S8 của trung tâm Nhật Ngữ Sakura
  • 2015: Tốt nghiệp loại xuất sắc; Nhận học bổng của tập đoàn thép JFE - Nhật bản dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập

 

Thanh Thảo (15CBC)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây