Ngành Cử nhân Văn học

Thứ hai - 07/05/2018 04:45

Ngành Cử nhân Văn học

v

 

Văn chương là lãnh địa của cái đẹp, là thế giới của những khát vọng chân thực. Khám phá văn học là hành trình đi vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ để giải mã những giá trị đích thực của cuộc sống và chạm sâu vào miền nội cảm con người. Đó là cõi sáng tạo cho những tâm hồn khao khát chạm ngõ nghệ thuật.
Đến với ngành Cử nhân Văn học, bạn sẽ có cái nhìn đa diện về các hiện tượng văn học đồng thời được tiếp xúc với chân dung những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu  - phê bình tên tuổi. Ngoài ra, bạn cũng có thể được tiếp cận với kiến thức của nhiều lĩnh vực khác. Tốt nghiệp ngành học này, bạn sẽ đứng trước nhiều sự lựa chọn phong phú.

Nếu bạn mong muốn trở thành nhà nghiên cứu văn học, phóng viên, biên tập viên, nhà biên kịch hay nhà quản lí, nhà hoạt động xã hội trong các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, chính trị… thì ngành Cử nhân Văn học là nơi giúp bạn chắp cánh ước mơ.
Với ưu thế số lượng tuyển sinh lớn, dao động từ 100 - 150 sinh viên/năm, điểm đầu vào nguyện vọng 1 thường ngang bằng với điểm sàn, ngành Cử nhân Văn học được xem là một lựa chọn khá vừa sức để ước mơ giảng đường của nhiều bạn học sinh thành hiện thực.

 
CHUẨN ĐẦU RA
VỀ KIẾN THỨC
- Có vốn hiểu biết phong phú về tiếng Việt, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài và lý luận văn học.
- Có hiểu biết đúng đắn về chức năng, nhiệm vụ của nghiên cứu, phê bình văn học đối với đời sống xã hội và văn học nghệ thuật.
- Có vốn sống, nghệ thuật tác nghiệp, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, xuất bản, quản lí (hành chính hoặc văn thư lưu trữ...
VỀ KỸ NĂNG
- Có năng lực cảm thụ văn học nghệ thuật tinh tế.
- Có kỹ năng vận dụng kiến thức nghiên cứu, phê bình vào việc lí giải những hiện tượng văn học nhằm tạo kênh giao tiếp mở.
- Có sự năng động, nhạy bén của người cầm bút.
- Có vốn kiến thức đa ngành như: các kĩ năng nghiệp vụ cơ bản của báo chí truyền thông; kĩ năng tuyên truyền, hoạt động nhóm; kĩ năng tổ chức, quản lí các hoạt động văn hóa nghệ thuật; kĩ năng tạo lập, xây dựng văn bản...
VỀ THÁI ĐỘ
- Có một niềm đam mê, có bản lĩnh nghiên cứu, phê bình văn học.
- Có các tố chất của một nhà nghiên cứu, một người làm công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, một nhân viên hành chính như: tinh tế, kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận và tận tụy.
- Có phẩm chất đạo đức tốt.
VỊ TRÍ LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI HỌC SAU KHI TỐT NGHIỆP
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công việc:
- Nghiên cứu phê bình văn học
            Nghiên cứu, phê bình là một loại hình tư duy khoa học về nghệ thuật, khám phá các giá trị văn chương và có tác dụng định hướng dư luận. Nghiên cứu nghiêng về việc tìm tòi, khám phá bản thể của văn học. Phê bình không những khám phá mà còn gắn với cảm thụ văn học nghệ thuật bằng tình cảm, xúc cảm. Nghiên cứu và phê bình gắn bó với nhau trong hoạt động văn học và quan hệ mật thiết với sáng tác. Trở thành nhà nghiên cứu, phê bình văn học là một lựa chọn khá lí tưởng cho các bạn tốt nghiệp cử nhân văn học. Bạn có thể là một cán bộ nghiên cứu làm việc tại các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn...
- Báo chí truyền thông, xuất bản

Thực tế đời sống văn học và báo chí Việt Nam cho thấy không hiếm nhà văn đồng thời là nhà báo. Hoàn toàn có cơ sở để lý giải điều này, bởi văn học và báo chí gặp gỡ ở một đường biên và suy cho cùng, văn là âm bản của con người - cuộc đời; là phản ánh, suy ngẫm về hiện thực cuộc sống, xã hội qua lăng kính thâu nhận và thẩm định của người sáng tạo nên tác phẩm.
Nếu là người có khả năng viết lách, bạn có thể trở thành cộng tác viên hoặc phóng viên chính thức của một tờ báo, một đài phát thanh - truyền hình; một biên tập viên cho các nhà xuất bản, tạp chí, website của các cơ quan, ban ngành,… Đó là những cơ hội tốt đang đón đợi các cử nhân văn học.
- Những công việc khác có thể đảm nhiệm:
+ Bạn có thể trở thành cán bộ tại các cơ quan văn hoá thông tin cấp tỉnh, thành, quận huyện; các bảo tàng, thư viện... 
+ Bạn cũng có thể trở thành cán bộ hoạt động phong trào tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức xã hội như: uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành, quận huyện, xã phường; Trung ương Đoàn Thanh niên, Trung ương Hội Sinh viên, các tỉnh đoàn, huyện  đoàn địa phương,…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây