• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Báo cáo đề dẫn Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học “Ngôn ngữ học Việt Nam – Những chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế”

Chủ nhật - 16/12/2018 23:07
NGÔN NGỮ HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU NGÔN NGỮ Ở VIỆT NAM
Báo cáo đề dẫn  Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học “Ngôn ngữ học Việt Nam –  Những chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế”
IMG 4881

1. Toàn cảnh và cận cảnh
Đã không ít lần chúng tôi muốn dùng nhan đề một bài viết của Noam Chomsky “Những chân trời mới trong nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức” để ngẫm về những bước chuyển vượt bậc của ngôn ngữ học thế giới trong một thế kỉ qua. Từ cấu trúc luận của F. De Saussure đến chức năng luận của trường phái Praha, từ ngữ pháp tạo sinh của N. Chomsky đến ngữ pháp chức năng hệ thống của M.A.K. Haliday, ngôn ngữ học đã tìm tới những đường hướng nghiên cứu mới, dự báo một viễn cảnh xán lạn hơn.
Trong đó, bản thể của ngôn ngữ và cấu trúc của nó được nhận diện lại, được đào sâu và các mối quan hệ của nó được khám phá theo nhiều chiều, cả hướng nội lẫn hướng ngoại.  Biên độ được mở rộng, từ trong ra ngoài theo hướng liên ngành, và điểm nhìn cũng rộng mở từ các lí thuyết liên ngành soi chiếu vào ngôn ngữ. Cũng như vậy, lí thuyết ba bình diện kết học, nghĩa học, dụng học đã đặt ngôn ngữ trong trạng thái tồn sinh năng động vào phạm vi nghiên cứu đã khiến cho ngôn ngữ học thâm nhập sâu hơn vào đối tượng của mình. Cùng lúc đó, ngữ pháp văn bản và phân tích diễn ngôn đã mở rộng đối tượng của ngôn ngữ học ở biên độ rộng nhất của ngôn ngữ. Từ lí thuyết kí hiệu học đến kí hiệu học văn hóa lại là một bước mở rộng biên độ của ngôn ngữ, từ những kí hiệu mang tính vật chất đến những phạm trù tinh thần mà chúng biểu hiện hoặc bị chi phối. Cũng theo hướng liên ngành như vậy, ngôn ngữ học tri nhận đã đánh dấu những phương tiện ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày vào những đặc trưng tâm lí, nhận thức của một cộng đồng ngôn ngữ càng khiến cho ngôn ngữ được soi chiếu một cách toàn diện hơn.

          Nhờ sức hấp dẫn của bản thân đối tượng nghiên cứu, nhờ vai trò của tiếng nói trong đời sống và ở phía ngược lại, nhờ thế giới “phẳng” và sự cởi mở trong nghiên cứu, nhờ sự phát triển không ngừng của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, hơn nửa thế kỉ qua ngôn ngữ học Việt Nam đã tiệm cận được các khuynh hướng, các thành tựu ngôn ngữ học của thế giới. Hầu như các lí thuyết mới của ngôn ngữ học trên thế giới đều đã được giới thiệu và cung cấp các tiên đề lí luận, phương pháp cho các nhà nghiên cứu trong nước. Nhìn toàn cảnh, đễ dàng nhận thấy sự phong phú của phạm vi nghiên cứu và sự đông đúc của đội ngũ các nhà ngôn ngữ học hôm nay.
          Kể từ khi khoa Ngôn ngữ học ở Đại học Quốc gia Hà Nội được “ra riêng” và quy mô đào tạo ngôn ngữ học ở các cơ sở đại học trên toàn quốc được nâng tầm, hai tờ tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ học ra hàng tháng… không khí học thuật ngôn ngữ học trở nên sôi động hơn, khởi sắc hơn. Trong hơn hai mươi năm trở lại đây, các hội thảo ngôn ngữ học của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, của Viện Ngôn ngữ học, của các cơ sở đại học diễn ra thường xuyên hơn đã tạo ra những diễn đàn học thuật cho giới ngôn ngữ học trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình.
           Mối quan tâm của giới ngôn ngữ học đến đối tượng và các đường hướng nghiên cứu mới không ngừng được mở rộng qua từng kì hội thảo. Quy mô của các cuộc hội thảo càng ngày càng được nâng tầm, từ khuôn khổ hội thảo quốc gia đến hội thảo quốc tế, số lượng các báo cáo qua các kì hội thảo cũng tăng lên. Trong năm năm trở lại đây, Viện ngôn ngữ học đã tổ chức ba hội thảo quốc tế 2013, 2015, 2017. Tất nhiên, khuôn khổ cuộc hội thảo hay số lượng báo cáo trong các hội thảo chưa phải là những tiêu chí cần và đủ để đánh giá về tầm vóc cuộc hội thảo, nhưng nhìn vào đó, người trong cuộc sẽ nhận ra bức tranh toàn cảnh của đời sống ngôn ngữ học đang chuyển động tồn sinh. Bởi lẽ, mỗi một cuộc hội thảo là một lần tập hợp đội ngũ và là liều thuốc kích thích hữu hiệu cho những kế hoạch nghiên cứu tương lai; một cuộc hội thảo nếu chưa đủ năng lượng làm bệ phóng thì ít ra cũng là sự góp phần khai phóng tư duy sáng tạo.  Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã chung sức, chung lòng, đồng hành cùng giới ngôn ngữ học trong và ngoài nước với hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam – những chặng đường phát triển và hội nhập”. Tên gọi cuộc hội thảo đã phần nào xác lập chủ đề và mục đích mà diễn đàn này hướng tới là tập hợp tất cả những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong không gian chung của Việt ngữ học và ngôn ngữ học thế giới.
          Ngoài tính chất là một hội thảo quốc tế nhằm mục đích giao lưu và hội nhập, các báo cáo được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, điểm nhấn của Hội thảo hôm nay là tất cả các báo cáo đều được phản biện theo các tiêu chí và quy trình thẩm định một bài báo khoa học.                   
 2. Tổng quan về những nội dung chính của hội thảo
Kỉ yếu của hội thảo tuyển chọn được gần 90 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Có những báo cáo được gửi đến từ các quốc gia và các vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan.
Biểu hiện “phát triển” và dấu ấn “hội nhập” của ngôn ngữ học Việt Nam đã được thể hiện rõ rệt trong các báo cáo gửi đến Hội thảo. Đó là những nghiên cứu mới, tiếp cận được những khuynh hướng hiện đại của ngôn ngữ học trên thế giới, là những kết quả nghiên cứu mới về những đối tượng nghiên cứu tưởng chừng như đã cũ, đó là sự mở rộng biên độ của ngôn ngữ học trên cả hai bình diện là đường hướng nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu.
Các báo cáo trong hội thảo được tập hợp theo bốn tổ hợp và cũng là các tiểu ban của hội thảo:
          - Ngôn ngữ học lí thuyết;
          - Ngôn ngữ học liên ngành;
          - Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ;
          - Ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu.
Không thể tránh khỏi một thực tế là sự sắp xếp các báo cáo vào một tổ hợp nào đó chỉ có tính tương đối. Bởi lẽ, nội dung các báo cáo bao quát một phạm vi rất rộng và có một số báo cáo có thể được đặt dưới những góc nhìn khác nhau, trực diện hoặc giao thoa.
          (1) Ở tiểu ban thứ nhất, ngôn ngữ học lí thuyết, các báo cáo đã có sự trải rộng từ từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp đến ngữ dụng học.
         Trong đó, những nghiên cứu theo hướng chức năng luận đã đem đến những kiến giải mới lạ và có sức thuyết phục. Đáng chú ý là khi nhà nghiên cứu dùng lí thuyết “dị thanh” (hetoroglosia) của nhà ngữ học P.P.R. White để phân tích nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt.
Bao quát cả cấu trúc luận và chức năng luận là những nghiên cứu mới về loại hình học cú pháp và về cấu trúc câu tiếng Việt. Người đọc, người nghe có thể gặp ở đây một thuật ngữ như đã quen thuộc nhưng lại chứa đựng những thông tin mới là “loại hình học cú pháp” và những kiến giải khúc chiết về loại hình học trật tự từ, loại hình học liên kết hình thái cú pháp và loại hình học cấu trúc cú pháp của tiếng Việt. Ở phạm vi hẹp hơn, lí thuyết điển mẫu của ngữ nghĩa học tri nhận cũng đã được áp dụng vào việc nghiên cứu nghĩa của câu tiếng Việt.  
          Lí thuyết ngôn ngữ học tri nhận cũng đã giúp các nhà nghiên cứu có được cách đọc mới về những đối tượng quen thuộc. Các ý niệm “vui”, “buồn”, ý niệm “lực”- “sức mạnh” trong tiếng Việt đã được khảo sát, kiến giải dưới góc nhìn tri nhận luận.
          Các vấn đề như nghĩa logic và nghĩa ngôn ngữ của các từ logic trong tiếng Việt, các cấu trúc được ưu tiên lựa chọn khi hỏi – đáp, các mức độ phủ định và các biểu thức ngôn ngữ biểu thị về từng mức độ phủ định trong tiếng Việt cũng đã được các tác giả xới lên.
          (2) Ở tiểu ban thứ hai, ngôn ngữ học liên ngành, như chính cách định danh về nó, các báo cáo trải ra trên một bề mặt khá rộng từ mối quan hệ ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ với văn chương đến ngôn ngữ - lịch sử, địa lí, văn hóa (địa danh học).
         Những thuyết giải về việc lựa chọn từ cực cấp của người Nam Bộ như “ngay đơ’, ‘ngay chốc”, “ngay bon”…hoặc về cấu trúc “Đã + chủ ngữ + động từ + bổ ngữ” (Đã người ta hô là…), là những phát hiện đáng tin cậy. Cũng dưới cái nhìn liên ngành như vậy, những khảo sát về cách đặt tên nhân vật hay lớp từ vựng gắn liền với môi trường sông nước trong sáng tác của một nhà văn Nam Bộ sẽ là những thông tin lôi cuốn người đọc, người nghe.
              Về ngôn ngữ văn chương, những nghiên cứu về đồng nghĩa lâm thời trong văn bản thi ca với những khảo sát về hiện tượng này trong thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Vi Thùy Linh, về tính kí hiệu hóa trong ngôn ngữ văn chương, về tính vùng miền trong văn bản nghệ thuật đều là sự vận dụng đa dạng các lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại để xem xét, đánh giá ngôn ngữ văn chương bằng những kiến giải có cơ sở lí thuyết đáng tin cậy.
              Hàng loạt các bản báo cáo về địa danh học có mặt trong Hội thảo sẽ góp phần lấp đầy dần tấm bản đồ địa danh học Việt Nam.
          (3)  Ở tiểu ban thứ ba, ngôn ngữ các dân tộ thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ, là sự tập hợp hàng loạt bản báo cáo có hàm lượng khoa học cao.
          Thể hiện một thái độ quan tâm đến chính sách dân tộc và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, các báo cáo về nhóm đề tài này đã có sự phân bố cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, có bài viết đã tổng hợp và nhận diện về công cuộc nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, một khu vực không rộng nhưng có đến 31 dân tộc ít người định cư; từ đó tác giả đặt ra những vấn đề cấp bách như việc xây dựng chữ viết Latin hóa, soạn từ điển, sách học tiếng, tìm giải pháp bảo tồn cho một số ngôn ngữ. Cũng có tác giả nêu lên một vấn đề đáng quan tâm khác là thực trạng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người dân tộc thiểu số. Từ kết quả khảo sát năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Giẻ - Triêng và hiện tượng chuyển mã, trộn mã trong giao tiếp của họ, tác giả đặt ra vấn đề giải pháp giúp họ bảo tồn tiếng nói dân tộc mình.
          Cũng trong khuôn khổ tiểu ban thứ ba, bài viết về ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã xem xét một số dãy phụ âm và tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt từ thời điểm ra đời cuốn Từ điển Việt - Bồ - La đến thời điểm ra đời Nam Việt Dương hiệp tự vị.
          Phương ngữ cũng là một đối tượng nghiên cứu được nhiều người lựa chọn. Đó là những bản báo cáo về đặc điểm ngữ âm Nam Bộ, về từ xưng hô và cách xưng hô trong tiếng Quảng Nam.
(4) Tiểu ban thứ tư, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu là bộ phận tập hợp một hệ thống bài viết rất phong phú.
          Đưa ngôn ngữ học vào đời sống, bản báo cáo về ngôn ngữ lệch chuẩn trên báo mạng điện tử giới trẻ đã phác thảo những đường nét căn bản cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Hoặc có bài viết phát hiện về hiện tượng “giao thoa cú pháp học” khi người Việt sống tại tỉnh Udon Thani sử dụng cấu trúc cụm từ số tiếng Thái để thay thế cấu trúc cụm từ số tiếng Việt.
          Đại diện cho lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng là ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu chữ viết tắt tiếng Việt. Một ý kiến có tính thời sự về chữ quốc ngữ và chính tả hiện nay là bản báo cáo về thực tiễn phát âm và lịch sử chữ viết Quốc. Bài viết là những kiến giải của một nhà chuyên môn về một trường hợp “lệch chuẩn” của chữ quốc ngữ xét trên bình diện âm vị học.
          Về giảng dạy ngôn ngữ, bài viết về việc giảng dạy tiếng Anh tại Nhật Bản là một gợi ý đáng được tham khảo cho việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay, cũng như việc dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Về nội dung dạy học tiếng Việt, bản báo cáo về dạy nghi thức lời nói cho trẻ mầm non qua trò chơi đóng vai sẽ đem đến cho Hội thảo một vấn đề đáng được bàn thảo. Bên cạnh đó còn có một ý kiến đề cập về một khía cạnh ngôn ngữ trong diễn ngôn sư phạm, vốn là một vấn đề cấp thiết, cần có một hội thảo riêng.
          Theo hướng ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, bài viết đối chiếu từ ngữ chỉ thời gian trong một ngày của tiếng Thái và tiếng Việt đưa đến những thông tin thú vị về các đối tượng được quy chiếu để xác định thời điểm ở từng ngôn ngữ.  
3. Đề xuất những vấn đề cần được thảo luận
          Chúng tôi không nghĩ rằng thảo luận trong một hội thảo ngữ học như hôm nay là hướng tới một tiếng nói chung mà chính là sự gợi mở vấn đề một cách rộng rãi nhất, khoa học nhất nhằm vào một mục đích thiết thực là góp phần thúc đẩy những nghiên cứu mới của giới ngữ học nước nhà. Theo tinh thần đó, tất cả các báo cáo được tuyển chọn vào tập kỉ yếu đều là những bài viết gợi dẫn khả năng thảo luận cao.
          Đặt trong bối cảnh chung là sự phát triển của ngôn ngữ học trên thế giới và từ những vấn đề tiếng Việt đang đặt ra với giới ngôn ngữ học, từ những yêu cầu thực tế của ngôn ngữ và đời sống, và căn cứ vào khuynh hướng chung của các báo cáo khoa học được gửi đến Hội thảo, ban tổ chức đề xuất các nội dung cần được ưu tiên thảo luận trong hội thảo này.
          - Những khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới hiện nay và khả năng áp dụng những kết quả đó ở Việt Nam. Hi vọng rằng những báo cáo về ngữ pháp chức năng, về ngôn ngữ học tri nhận sẽ là những gợi ý thú vị, phát lộ những khoảng trống mà ngôn ngữ học ở Việt Nam cần tiếp cận và thu hẹp khoảng cách.
          -  Thành tựu của Việt ngữ học theo quan điểm chức năng luận. Ngữ pháp học tiếng Việt theo hướng chức năng luận đã có thể miêu tả một cách đầy đủ và thuyết phục về cơ chế văn phạm của tiếng Việt? Các vấn đề ngữ dụng học của tiếng Việt, câu và nghĩa của câu, về phạm trù nghĩa tình thái.
          - Các vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ văn chương, về lí thuyết phân tích diễn ngôn.
          - Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chính tả chữ quốc ngữ, chuẩn mực tiếng Việt được sử dụng trong hoạt động giảng dạy ở các cấp học. Vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học.  Bên cạnh đó là các vấn đề về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và sự bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người.
- Các vấn đề liên quan tới kí hiệu học ngôn ngữ và các dịch vụ thông tin ngôn ngữ.
          Chúng tôi quan niệm mỗi một cuộc hội thảo là một điểm nối trên hành trình chạy tiếp sức không có điểm dừng, những gì được trình bày ở trên chỉ là những phác thảo khái lược về một điểm nối như vậy.
          Trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Ban lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã hết lòng vì cuộc hội thảo. Trân trọng cảm ơn quý vị cử tọa. Xin gửi đến quý vị đại biểu, các nhà khoa học lời chúc sức khỏe. Xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
                                                                 PGS.TS. Bùi Trọng Ngoãn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CỰU SINH VIÊN – HỌC VIÊN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây