• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Sinh viên Văn hoá học với những trải nghiệm thực tế

Thứ hai - 02/05/2022 18:01
Văn hóa học là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu các lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa như tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, trang phục, ẩm thực, cư trú... Để “hoạch đắc” được vốn kiến thức đa dạng này thì phương pháp học tập chiếm một vị trí quan trọng.
Đối với sinh viên, để có một kết quả học tập tốt thì có lẽ phương pháp và hình thức dạy học đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Hiểu được điều đó, các thầy cô khoa Ngữ văn nói chung và các thầy cô bộ môn Văn hoá học nói riêng - nơi chúng tôi đang theo học luôn tìm cách đổi mới, kết hợp nhiều hình thức dạy học để tạo sự hứng thú và say mê trong từng tiết học. Ngoài những giờ lý thuyết trên lớp để truyền đạt tri thức, rèn luyện những kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, tổ chức hoạt động… thì chúng tôi còn được tham gia những giờ học thực tế vô cùng bổ ích. Những chuyến đi thực tế này đã giúp sinh viên có những trải nghiệm, va chạm với thực tiễn để kiểm chứng và thực hành lại những kiến thức đã được tiếp thu.
Ngay từ năm nhất, thông qua học phần Bảo tàng học, thầy cô đã tổ chức cho chúng tôi tham quan và học tập trực tiếp tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, Bảo tàng Đà Nẵng,… Chúng tôi được tìm hiểu về lịch sử và văn hoá của người Chămpa thông qua những hiện vật, những bộ sưu tập được trưng bày; được nghe thuyết minh về lịch sử Đà Nẵng và khám phá không gian trưng bày hiện vật văn hoá và quân sự của thành phố; xem điệu “Tung tung da dá” của tộc người Cơtu biểu diễn, trải nghiệm dệt chiếu,… vào ngày Hội di sản văn hoá được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Sang đến năm hai, thông qua những học phần như Văn hoá miền Trung – Tây Nguyên, Xây dựng văn hoá cộng đồng, Văn hoá Chămpa và đặc biệt là học phần Văn hóa du lịch đã giúp chúng tôi có cơ hội học tập ở nhiều địa điểm thực tế hơn. Thông qua kĩ năng hướng dẫn và thuyết minh tại điểm được trang bị từ học phần Văn hoá du lịch thì chúng tôi đã được thực hành thuyết minh và hướng dẫn tại điểm như những hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Cảm giác mình được làm một hướng dẫn viên, tiếp xúc với tài nguyên du lịch, giao tiếp với khách du lịch, xử lý những tình huống phát sinh trong hành trình du lịch giúp cho chúng tôi trưởng thành hơn rất nhiều về những kĩ năng mềm, đồng thời cũng định hình rõ hơn về con đường nghề nghiệp tương lai.
Đến năm thứ ba, với học phần Thực tế chuyên môn, chúng tôi đã được các thầy cô tổ chức một chuyến thực tế dài ngày hơn để khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá ở những vùng khác nhau. Hành trình ra Bắc của chúng tôi đã đi qua rất nhiều nơi như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình… Qua mỗi điểm dừng của hành trình, chúng tôi tham quan, tìm hiểu lịch sử - văn hoá tại nhiều địa điểm, danh thắng và di tích lịch sử có giá trị như Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chùa Trấn Quốc, Đền Ngọc Sơn, Cụm Di tích Ba Đình, cụm Di tích Đền Hùng, Chùa Bái Đính, thắng cảnh di tích Tràng An, thành cổ Quảng Trị,... Đồng thời chúng tôi còn khám phá và thưởng thức ẩm thực vùng miền như đặc sản Hạ Long với bún hải sản bề bề, bún chả Hà Nội, thắng cố - đặc sản của người Mông,… 
Tôi đã từng nghe nhắc đến hai thuật ngữ trong nghiên cứu khoa học là “nhà nghiên cứu ghế bành” (ngồi tại chỗ đọc tài liệu nghiên cứu) và “nhà nghiên cứu chân trần” (thực địa để nghiên cứu). Và chúng tôi vẫn thích nhất cảm giác những bước chân của mình được đặt đến nhiều nơi để học tập và trải nghiệm. Bởi vì, trong những chuyến đi này, các thầy cô luôn nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với chúng tôi. Ngoài những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, thầy cô còn truyền cho chúng tôi những năng lượng tích cực, quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là tạo cảm hứng học tập cũng như giúp sinh viên tự tin hơn trong cuộc sống. Qua những chuyến thực tế, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, chúng tôi không chỉ được tiếp thu, tích luỹ thêm kiến thức mới; đây cũng là dịp giúp chúng tôi ôn lại lý thuyết, thực hành lại kiến thức đã học. Chúng tôi cảm thấy ngày một tự tin hơn, khả năng giao tiếp tốt hơn, có thêm kinh nghiệm tổ chức hoạt động và xử lý tình huống; những điều này sẽ là hành trang giúp chúng tôi hoàn thiện bản thân, vững tin trên con đường trở thành những con người làm công tác văn hoá trong tương lai.

 
a
 Sinh viên 19CVHH học tập tại Bảo tàng Đà Nẵng
 
a
Đền Hùng Phú Thọ 
a
   Viếng Lăng Bác ở Hà Nội
a
Khu đền tháp Mỹ Sơn ở Quảng Nam
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Mỹ Linh – 19CVHH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây