Hội thảo thu hút 120 đại biểu tham dự và trình bày báo cáo, trong đó có 2 đại biểu Đức, 1 đại biểu Canada, 6 đại biểu Hàn Quốc, 6 đại biểu Nhật Bản, 10 đại biểu Việt Nam (đông nhất trong số các đại biểu nước ngoài), còn lại là các đại biểu của Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Các đại biểu đã trình bày nghiên cứu về các vấn đề văn tự học, văn hiến học trên cơ sở tư liệu minh văn (văn khắc) và thư tịch Đông Á, xuất phát từ góc độ nghiên cứu của một quốc gia, hoặc nghiên cứu so sánh liên văn hoá, liên quốc gia. Tập tài liệu toàn văn Hội thảo dày xấp xỉ 1.200 trang đã được gửi đến từng đại biểu tham dự.
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 10 người, trong đó có 8 người là cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bao gồm: TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trưởng đoàn), PGS.TS Đinh Khắc Thuân, PGS.TS Lã Minh Hằng, TS Hoàng Phương Mai, TS Nguyễn Kim Măng (Thư kí đoàn), TS Trần Thị Thu Hường, TS Trần Thị Giáng Hoa, và NCS Nguyễn Quang Thắng. Hai thành viên còn lại là TS Nguyễn Hoàng Thân (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và NCS Bùi Anh Chưởng (Đại học Quốc gia Hà Nội). Toàn bộ kinh phí cho chuyến đi đều do phía mời tài trợ. Các đại biểu Việt Nam đã mang tới Hội thảo tiếng nói học thuật của Việt Nam góp chung với học giới Đông Á từ khía cạnh văn tự học và minh văn học. Từ đây sẽ mang lại những cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai gần, theo cả cấp độ đơn vị và cá nhân các nhà nghiên cứu. Sau hội thảo, các bài viết về Việt Nam sẽ được chọn lọc và sửa chữa để xuất bản trong một cuốn sách tại Trung Quốc, dự kiến in vào đầu năm 2019 tại một nhà xuất bản khoa học có uy tín cao ở Trung Quốc. Đây là cơ hội để tăng cường công bố quốc tế cho nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, đặc biệt là cho cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trong phiên khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Cường đã công bố bản dịch tiếng Việt của cuốn sách Hán tự học tân luận của GS.TS Lý Vận Phú vừa được in tại Việt Nam, do TS Nguyễn Tuấn Cường chủ trì việc phiên dịch và xuất bản, gồm 10 chương, dày 500 trang. Chuyên khảo nổi tiếng này được viết bằng tiếng Trung Quốc, xuất bản lần đầu năm 2012 tại Bắc Kinh, hiện đã có bản dịch tiếng Hàn Quốc và tiếng Việt, đều in trong năm 2018. Bản dịch tiếng Việt này sẽ là sự bổ sung hữu ích để cập nhật tri thức Hán tự học và văn tự học Đông Á cho độc giả tiếng Việt.
Trong phiên cuối cùng của Hội thảo, GS.TS Lý Vận Phú đã trình bày ý tưởng thành lập “Liên minh nghiên cứu chữ Hán liên văn hoá” nhằm mục đích kết nối các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy chữ Hán của nhiều nước Đông Á và Âu – Mĩ, hướng đến tổ chức các hoạt động học thuật ở tầm quốc tế, tăng cường giao lưu, phối hợp giữa các nước trên lĩnh vực nghiên cứu văn tự học. Ý tưởng này được nhiều đại biểu tán thành nhiệt liệt. Hiện nay Liên minh đã có sự tham gia của gần 20 đơn vị, trong đó có các đơn vị của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam.
Năm ngoái, ngày 22/5/2017, tại Đại học Trịnh Châu, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TS Nguyễn Tuấn Cường) và Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu văn minh chữ Hán (GS.TS Lý Vận Phú) đã kí kết Thoả thuận hợp tác (MoU) về hợp tác nghiên cứu và đào tạo trên lĩnh vực văn tự. Hội thảo này là kết quả của quá trình hợp tác đôi bên. Điều đó cho thấy tính thực tế và hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nguồn: https://vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTucHoiNghiHoiThao/View_detail.aspx?ItemID=1190
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn