• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Mai Hương - Cô gái nhỏ đam mê xê dịch

Thứ hai - 23/04/2018 04:40

Mai Hương trên hành trình chinh phục cung đường đến Everest Base Camp

Mai Hương trên hành trình chinh phục cung đường đến Everest Base Camp
Tốt nghiệp ngành Cử nhân Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), làm việc trong một cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng được 3 năm, Phạm Mai Hương (25 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình) quyết định nghỉ việc và viết “tâm thư” cho bố mẹ xin được… đi như sự thôi thúc hừng hực nơi trái tim mình.
Và sự thôi thúc đó đã đưa cô gái bé nhỏ này đến với những nơi được cho là tách biệt nhưng là một phần đặc biệt của thế giới như bộ lạc chăn nuôi tuần lộc cuối cùng ở  Mông Cổ - Tsaatan…
Mai Hương trên hành trình chinh phục cung đường đến Everest Base Camp
Hành trình ám ảnh

“Nếu bạn hỏi tôi hành trình nào đáng nhớ và đáng sợ nhất? Tôi sẽ nói ngay: Hành trình tìm đến bộ lạc Tsaatan. Đó là một hành trình đầy ám ảnh, gian nan, mệt mỏi và nhiều trải nghiệm chưa từng thấy”, Mai Hương bộc bạch.

Bởi lẽ chưa từng có một tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh nào viết về hành trình này. Toàn bộ thông tin Hương có được là từ những lần cô lân la làm quen qua mạng với các nhóm du lịch Mông Cổ của người nước ngoài và các trang thông tin điện tử về du lịch của “Tây ba lô”. Từ đây, Hương tìm được những nhân vật hiếm hoi từng đến đó để hỏi chuyện và bắt đầu một câu chuyện mới của đời mình vào ngày 21-9-2016.

Để đến được bộ lạc Tsaatan, Mai Hương phải trải qua chuyến xe khách dài và chật chội suốt 18 giờ từ thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ đến tỉnh Moroon cho chặng đường gần 700km. Tiếp đến là chuyến xe đến tỉnh Tsagaanuur  dài 15 giờ với chặng đường 300km trong cảnh nhồi nhét người và hàng hóa trên con đường đầy ổ gà, ổ voi.

Để được vào khu vực biên giới của Nga và Mông Cổ, tại tỉnh Saganuur, Hương phải xin phép và có dấu xác thực của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, 1.000km và 33 giờ đồng hồ chưa là gì so với con đường vào bộ lạc Tsaatan.

Đường đến bộ lạc Tsaatan hoàn toàn không có lối mòn. Khoảng 70% địa hình nơi đây là bùn lầy và cỏ mọc trên nước, 20% đường khô và 10% sông suối. Vì vậy, Hương chỉ còn cách dùng ngựa nếu không muốn lội bùn dưới tuyết. Gian nan chưa dừng lại khi Hương phải mất 3 ngày đêm đi miệt mài mới có thể đến được nơi bộ lạc Tsaatan sinh sống.

Theo Mai Hương, có thể mọi người đã gặp những túp lều cổ, những con tuần lộc bên hồ Khovsgol (hồ lớn thứ hai và sâu nhất ở Mông Cổ) tại Moroon, nhưng đó không phải là nơi người Tsaatan sinh sống. Trong nhiều năm trở lại đây, một số ít gia đình người Tsaatan chọn di chuyển đến hồ để khai thác nguồn thu từ du lịch. Thậm chí, họ còn giả làm nghi lễ Shaman (thầy phù thủy) để kiếm tiền. Nhưng thực tế khu vực hồ này không phải là nơi sống tốt cho tuần lộc bởi thức ăn ít và khí hậu quá ấm. Trong khi đó, những người Tsaatan chân chính vẫn quyết tâm ở lại rừng Taiga – nơi tuần lộc của họ hoàn toàn được khoẻ mạnh.

Và Mai Hương đã chọn khám phá bộ lạc chăn nuôi tuần lộc ở chính “bản địa” dù cô phải chịu đựng sự ê ẩm khi phải ngồi trên lưng ngựa nhiều ngày ròng để xuyên qua những cánh rừng Taiga và 3 ngọn núi phủ đầy băng tuyết với khung cảnh ma mị chưa từng thấy.

Khóc, cười ở bộ lạc Tsaatan

Hành trình đến với bộ lạc Tsaatan của Mai Hương dài tổng cộng 10 ngày. Trong đó, 3 ngày đi, 4 ngày ở lại và 3 ngày về.

Nhóm của Hương gồm 3 người: Hương, cô bạn Nevar (người Ba Lan) và Odaa (người hướng dẫn). Ngày khởi hành, khi đồng hồ điểm 21 giờ 30 phút, tuyết rơi trắng xóa nhưng nhóm vẫn chưa thể ra khỏi rừng Taiga. Odaa ra dấu cho biết quanh đây có chó sói. Cả ba đành quay ngược ra khỏi rừng, tìm đến một chuồng ngựa bỏ hoang để ngủ lại.

Đêm đó, cô bạn Nevar bị cảm lạnh, Hương nhường hai miếng dán giữ nhiệt cho bạn, còn phần mình không thể ngủ nổi trước cái lạnh quá khủng khiếp. “Cái lạnh của rừng Taiga thật ám ảnh. Nó có thể xuyên thấu qua tất cả các lớp vải để ngấm vào người”, Hương kể.

Đêm đầu tiên ở bộ lạc Tsaatan, kỷ niệm đáng nhớ nhất của Hương vẫn lại là chuyện… ngủ. Bởi cái lạnh quá khắc nghiệt, lửa liên tục tắt nên Hương đành ngậm ngùi… xé quyển nhật ký thân yêu của mình để nhóm lửa.

Đến đêm thứ ba, Hương quyết định ôm chăn gối qua lều của một gia đình Tsaatan xin ngủ nhờ. Tối đó, bên ánh lửa bập bùng, Hương được sưởi ấm, được cắn hạt thông và thích nhất là được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt gia đình đời thường của một trong những bộ lạc kì bí trên thế giới.

Khác hẳn với “lời đồn” người Tsaatan đưa ra rất nhiều quy tắc và không chào đón những du khách không đi cùng phiên dịch, Mai Hương may mắn được gặp gỡ những con người Tsaatan cực kỳ đáng yêu. Đó là bà Baigali (46 tuổi) tốt bụng cho Hương uống sữa tuần lộc và ăn bánh. Là cô bé Tsetsee (4 tuổi, con của bà Baigali), hồn nhiên ăn ngấu nghiến lọ cá hộp Hương cho. Là ông Duujii (53 tuổi) hái quả thông và hát cho Hương nghe bài hát truyền thống của người Tsaatan… Lần đầu tiên được chạm, ngồi lên lưng tuần lộc, Hương hạnh phúc đến run rẩy, ngỡ mình đang lạc vào thế giới cổ tích với ông già Noel và chú tuần lộc huyền thoại. Chẳng thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng, Hương nhanh chóng chụp ảnh, quay phim về đời sống của người Tsaatan với đàn tuần lộc.

Hương nói: “Lần đầu tiên tôi cảm thấy tự hào về sự chịu đựng của bản thân. Khi người Tsaatan nói đây là lần đầu tiên họ gặp người Việt Nam và cũng là lần đầu có người Việt tìm đến bộ lạc của họ, sống cùng họ, trong tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Tôi mang theo nụ cười tươi rói và cái vẫy tay thân thương của họ khi tiễn tôi vào miền ký ức về một hành trình đẹp”.

Nỗi thèm khát được xê dịch

Công tác cố định được ba năm nhưng có đến hai năm Hương luôn sống trong sự dằn vặt giữa ham muốn được khám phá những vùng đất mới với sự kỳ vọng của gia đình. “Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, nỗi thèm khát xê dịch lại một dâng trào, đến mức cảm tưởng chỉ cần đụng đến là vỡ bung ra”, Hương chia sẻ.

Những giày vò, trách móc của người thân trong thời gian đầu khiến cô gái nhỏ rất đau lòng, nhưng hiện tại, nhìn con gái trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi, bố mẹ Hương lại cảm thấy tự hào.

Để tiết kiệm chi phí, Mai Hương xin làm tình nguyện viên cho một vài tổ chức phi chính phủ. Công việc vừa giúp Hương giảm chi phí sinh hoạt, vừa mang lại cho cô cơ hội trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương và với các tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia khác.

Không chỉ đặt chân đến bộ lạc Tsaatan, Hương còn nổi tiếng gan góc trong cộng đồng “phượt thủ” Việt Nam với những hành trình khó nhằn như leo đến đỉnh Phanxipăng bằng đường bộ (30-10-2015), khám phá thung lũng Kathmandu nằm ở thủ đô Kathmandu của Nepal, chinh phục cung đường đến Everest Base Camp (một nửa của núi Everest, từ ngày 5 đến 20-3-2016).

Từ những chuyến khám phá đầy kỳ thú, cuộc sống mới của cô gái trẻ trở nên đầy… xáo trộn khi Hương bỗng thành người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ gặp bế tắc trong cuộc sống. Hương đang lên kế hoạch đến Ai Cập, tiếp đó quay lại Nepal chinh phục một cung đường khác trên dãy Himalaya, sau đó đến Ấn Độ và xa hơn là Châu Phi…

Để có tiền trang trải cho những chuyến đi, ngoài làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ, cô gái này còn ghi lại hành trình của mình qua các bài báo, ảnh, phim tài liệu và cộng tác với các kênh truyền thông uy tín trong nước và quốc tế. “Hương muốn nhiều năm sau nhìn lại không phải hối tiếc. Đi thật nhiều cũng giúp Hương nhận ra trái tim mình có sức chứa lớn hơn mình tưởng. Càng đi Hương càng thấy thế giới thật đẹp, con người thật đẹp và tình yêu cuộc sống trong Hương càng nhiều hơn”.

“Tsaatan có nghĩa đen là “người chăn tuần lộc”. Hiện bộ lạc còn 70 gia đình. 30 gia đình sống ở phía đông và 40 gia đình sống ở phía tây rừng Taiga. Mùa hè, các gia đình sống gần nhau. Mùa đông họ thường sống cách nhau 3-4 ngọn núi để bảo đảm nguồn thức ăn cho tuần lộc.

Người Tsaatan nói tiếng Mông Cổ, sống trong lều teepee được dựng từ những thân cây to, che phủ bởi các tấm da lớn chịu được mưa, nắng và cách nhiệt khá tốt. Giữa lều là bếp củi với ống dẫn khói.

Người Tsaatan dùng tuần lộc để gồ hàng, lấy sữa. Họ cũng có ăn thịt tuần lộc nhưng rất hiếm. Một ngày sinh hoạt của người Tsaatan là sáng dậy đưa tuần lộc lên núi thả cho ăn tự do rồi chiều lùa về. Trong ngày, đàn ông đi kiếm củi, phụ nữ làm thức ăn. Rảnh rỗi, đàn ông sẽ làm đồ lưu niệm.
Một số lưu ý khi tiếp xúc với người Tsaatan: Trước khi chụp hình nên giới thiệu và xin phép, nếu không được đồng ý thì cũng nên vui vẻ chấp nhận. Khi bước vào lều của người Tsaatan, nên đi từ hướng bên trái so với cửa lều, không nên từ chối thức ăn và trà khi được mời; khi ngồi phải giấu lòng bàn chân, không được để lòng bàn chân hướng về người khác; không đưa đồ bằng tay trái; khi chỉ về ai đó hoặc thứ gì đó phải ngửa lòng bàn tay; không được rửa chén bát hoặc giặt quần áo nơi nguồn nước gần người Tsaatan sinh sống. Nếu có điều kiện, bạn nên thuê một phiên dịch viên bởi họ quan niệm du khách đi cùng phiên dịch viên là coi trọng việc giao tiếp với họ”.

Phạm Mai Hương

BÌNH AN (Theo Báo Đà Nẵng)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CỰU SINH VIÊN – HỌC VIÊN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây