• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Viết cho cuộc đời

Thứ tư - 25/04/2018 16:04

Viết cho cuộc đời

“Tôi nghĩ mình đã chết rồi. Kì thực tôi vẫn sống đấy chứ! Tôi vẫn sống, hi vọng và ước mơ. Tôi vẫn nhớ và nghĩ về những giá trị của cuộc đời này. Đâu phải khúc sông nào trong dòng chảy cuộc đời cũng là hố thẳm, ghềnh sâu. Giữa phong ba, bão táp ấy tôi vẫn tìm thấy được chữ tình đằng sau mất mát, khổ đau. Vậy cớ gì tôi phải gieo ý nghĩ tuyệt vọng mỗi khi cảm thấy chán chường cái cơ thể dần mục nát này? Tôi cần mỉm cười và sống tốt để vươn đến những ước mơ”...
Võ Thị Như Trang

Lật lại đoạn nhật kí tôi viết cách đây hơn bốn năm trước, trong lòng bỗng rộ lên cảm giác xốn xang khi nghĩ về chặng đường chiến đấu với lưỡi hái thần chết. Hơn hết, hình ảnh những người thầy, người cô nơi mái Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng lại ùa về nơi tâm trí của tôi. Ở đó, chứa chan cả vùng trời kỉ niệm thân thương với bao bài học hay, bao lời giảng dạy bổ ích, làm hành trang cho tôi vững tin sống và bước vào đời.

Kí ức chính là liều thuốc góp phần lớn vào công cuộc chữa lành mọi vết thương trên cơ thể của tôi. Hẳn vì thế, mỗi ngày tôi luôn dành cho mình khoảng thời gian để chiêm nghiệm về nó như một sự biết ơn. Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Quảng Lăng 2, xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ba mẹ tôi quanh năm lấy cái cuốc, cái cày, bám vào mấy thước ruộng mà nuôi anh em tôi ăn học nên người. Sớm hiểu được cái nghèo của quê hương, sự cơ cực của ba mẹ, từ nhỏ tôi nung nấu ý chí học tập với niềm mong mỏi thoát cảnh nghèo. Mười hai năm đèn sách là mười hai năm tôi đạt danh hiệu khá, giỏi. Những tưởng bước đường Đại học sẽ mở rộng cửa chào đón tôi, nhưng cuộc đời lại đẩy tôi rẽ sang một cánh cửa khác, đó là nơi tôi phải chiến đấu với lưỡi hái thần chết cùng căn bệnh ung thư.
Căn bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú đã chọn tôi, ngày đó tôi chỉ vừa tròn mười tám, ai cũng nhìn vào tôi và chậc lưỡi, tiếc rằng: “Cái tuổi còn quá trong veo!”. Tôi gác lại ước mơ bước tiếp giảng đường Đại học, lặng lẽ giấu mình nơi góc giường trắng toát của bệnh viện, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết đi, và điểm xuất phát trước hết ở tâm hồn. Nhưng, có biết bao điều chẳng thể đốt thành tro, ấy là tình thương nơi những con người cũng chịu số phận không kém phần bi đát hơn tôi. Ở họ, tôi tìm thấy một nguồn sống tinh tế, vô hình chung chắt lọc từ mẫu chuyện vụn vặt trong cuộc sống giản dị đời thường. Hầu như ai nấy cũng cần sức khỏe, cần sự sống. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng bình thản hơn, rồi chấp nhận hiện thực đang tồn tại.

Tôi ý thức rất rõ về tình trạng bệnh của mình, khối u trong người tôi vẫn chưa di căn sang các bộ phận khác, đây là lợi thế cho việc phẫu thuật bóc u mà bác sĩ đã nói. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh của tôi chuyển biến phức tạp, tôi phải phẫu thuật bốn lần liên tục trong khoảng thời gian 9 tháng. Các vết mổ, nạo, khoét dần trở nên chằn chịt dưới cổ của tôi. Rồi còn phóng xạ, tiêu diệt các tế bào ung thư nguy hiểm. Bao nhiêu đó đã làm tôi ngất đi, mê man, sau cùng là những cơn đau vùi nghẽn lại dồn dập, thôi thúc tôi tỉnh lại. Ròng rã như thế hơn một năm trời, khi vết mổ đã lành lại, sức khỏe của tôi có chuyển biến tốt hơn, ấy cũng là lúc tôi xuất viện về điều trị tại nhà. Điều trị tại nhà xong lại đi bệnh viện, bác sĩ bảo cuộc đời tôi phải gắn với bệnh viện, bệnh của tôi phải dùng thuốc và điều trị suốt đời. Chỉ là một chút xốn xang lúc mường tượng cảnh tôi được đi học, đi viết về những mảnh đời bất hạnh tôi gặp, làm điều gì đó cho đời này … chừng đó thôi cũng đủ cho tôi cố gắng nuôi căn bệnh bên mình, để sống thật tốt hơn. Thời gian ở bệnh viện, tôi tranh thủ ôn bài những mong có cơ hội vào đại học. Ơn trời! Mọi nỗ lực cũng kết thành quả, khi tôi kết thúc điều trị bệnh, các vết mổ lành lại cũng là lúc tôi nhận kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành Cử nhân Văn học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Năm 2012, tôi hoàn thành ước mơ bước vào giảng đường đại học. Tôi bước tiếp giảng đường và sống cuộc đời như bao người, khác chăng cũng chỉ là vài viên thuốc đắng dùng mỗi ngày, và hàng tuần phải đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo dõi bệnh rồi những phương pháp phóng xạ quen thuộc. Nhà tôi nghèo, thương ba mẹ tần tảo, khổ cực làm lụng dưới nắng mưa, tôi tự dặn lòng không để phiền lòng hai đấng sinh thành. Vừa học, tôi vừa dạy thêm, viết bài gửi cộng tác các tòa soạn báo. Tôi không ngần ngại mang kết quả học tập của mình đi “săn” học bổng phi lợi nhuận ở nước ngoài. Văn học chính là cuộc đời, mỗi bài học là một lát cắt, một câu chuyện khác nhau. Qua những câu chuyện ấy, vô hình chung thầy cô thổi vào tôi biết bao triết lí và nghị lực sống phi thường. Hơn nữa, nhà trường còn tạo điều kiện cho tôi nhận học bổng khuyến học nhằm trang trải cuộc sống. Tôi nhớ, hồi tôi học năm 3 đại học, cô giáo chủ nhiệm Trịnh Quỳnh Đông Nghi gửi tặng 2 chiếc áo mới tinh để tôi mang đến lớp. Món quà tuy nhỏ nhưng đầy thành ý biết bao nhiêu, và nay, dù áo đã cũ sờn, tôi vẫn lưu giữ như lưu giữ tấm lòng, tình thương của cô dành cho đứa học trò nhỏ. Không chỉ cô giáo chủ nhiệm, vài thầy cô khác hiểu hoàn cảnh của tôi, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi dường như đã quen với những tin nhắn buổi đêm, một người cô giáo trẻ nhắn hẹn đưa tôi đi ăn uống, hoặc nấu cho tôi bữa cơm thật thịnh soạn, như lời cô nói “ăn để mà có sức chống chọi với bệnh tật nhé em!”.

Thực sự, tôi đã có sức chiến thắng bệnh tật từ những “bữa ăn tinh thần” ấy. Tôi không chỉ biết sống cho mình, chuỗi thời gian rảnh, tôi thường đi viết bài về các trường hợp khó khăn, lên kế hoạch các chương trình từ thiện giúp đỡ đồng bào miền núi xa xôi. Càng đi tôi thấy mình càng khỏe, hiểu biết càng nhiều. Thấm thoắt đã gần 2 năm xa mái trường, niềm tri ân, sự biết ơn nơi trái tim tôi vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu tiên ấy. Giờ đây, tôi đang theo đuổi con đường làm báo để viết bao điều hay cho cuộc đời này. Tôi luôn tự nhủ: Ngày nào còn sống, tôi nhất định phải đi và viết. Bởi chỉ khi viết, tôi mới thấy cuộc đời tôi đang tồn tại, tôi viết chưa nhiều nhưng đủ lâu để cảm nhận được những gì mà việc viết lách mang lại cho tôi, cho đời, và cho cả người khác.
 
 Võ Thị Như Trang
 
Cựu sinh viên lớp 12 CVH, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Thành tích:
 
  • Giải Nhất cuộc thi viết “Người thầy trong tôi” (Báo Khoa học & Đời Sống tổ chức, tháng 9-2011)
  • Giải Ba cuộc thi viết “Trung thu gợi nhớ tình thân” (Công ty cổ phần Kinh Đô tổ chức, tháng 9-2011)
  • Giải Khuyến khích cuộc thi viết “Hành trình tôi yêu” (báo Thanh Niên phát động, tháng 10-2011)
  • Giải Bình luận hay trong cuộc thi viết “Ước mơ của tôi” (Báo Vnexpress, Báo ione.net kết hợp Trường đại học FPT tổ chức vào tháng 8-2011)
  • Gương mặt tài năng đất Quảng năm 2012
  • Giải khuyến khích học bổng Nguyễn Thái Học Foundation năm 2013
  • Có tùy bút in trong tập sách Chuyện bây giờ mới kể (báo Người Lao Động)
  • Có thơ in trong tuyển tập Thơ Haiku Nhật – Việt lần thứ 3
  • Giải Khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn Báo Quảng Nam năm 2015
  • Giải Khuyến khích cuộc thi viết Gương nghị lực phi thường năm 2014
  • Nhân vật được tôn vinh trong top 20 tấm gương nghị lực năm 2014 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Báo Thanh Niên, tôn Hoa Sen tổ chức.
  • Giải Nhất cuộc thi viết “Thanh niên làm kinh tế giỏi” tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức năm 2017.
  • Giải Khuyến khích cuộc thi viết “Những tấm gương khởi nghiệp sáng tạo” Báo Quảng Nam năm 2018.




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CỰU SINH VIÊN – HỌC VIÊN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây