• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Quản lí di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Thứ sáu - 12/11/2021 20:57

Quản lí di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Nhằm chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, sáng ngày 11/11, khoa Ngữ văn tổ chức buổi giao lưu với chủ đề Quản lí di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên nền tảng MS Teams. Buổi giao lưu có sự tham dự của chị Nguyễn Thị Trinh – Phó giám đốc Bảo tàng Mĩ Thuật Đà Nẵng và đông đảo toàn thể sinh viên, giảng viên ngành Văn hóa học.

Quản lí di sản văn hóa không chỉ cần nhân sự chất lượng mà còn cần có sự tham gia của cộng đồng


Quản lí di sản văn hóa không phải là một câu chuyện mới. Nhưng trong cuộc sống hiện đại hóa hiện nay di sản văn hóa cũng dần ít nhận được sự quan tâm từ công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ thì câu chuyện này lại mang tính thời sự. Trao đổi tại buổi talkshow, Thạc sĩ Nguyễn Thị Trinh – Phó giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật Đà Nẵng đã chia sẻ về công tác quản lí di sản văn hóa: “Muốn cho các bảo tàng, di tích đạt hiệu quả bảo tồn, phát huy những giá trị của mình thì cách quản lí là vô cùng quan trọng. Có những bảo tàng, khu di tích lưu giữ những sản vật rất quí nhưng cách vận hành, quản lí thiếu sự đổi mới, kết hợp dẫn đến việc là chưa thực sự được công chúng biết đến và quan tâm”. Chị Trinh còn nhấn mạnh thêm, quản lí di sản văn hóa tốt không chỉ yêu cầu giỏi chuyên môn mà còn cần phải biết vận hành quản lí kết hợp với giới thiệu, truyền thông để tiếp cận được những giá trị văn hóa đó đến với công chúng.
 
a
“20 năm công tác tôi nhận thức được vai trò của Văn hóa trong việc góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của mỗi con người”

Tại các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung vẫn tồn tại thực trạng xâm hại các di sản văn hóa do người dân chưa tìm hiểu rõ về quyền sở hữu di sản. Điều này đã đặt ra vấn đề người dân – cộng đồng cần chung tay với các cá nhân, cơ quan có chức năng để cùng bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa. Chị Trinh ví dụ: “Hội An và Cố đô Huế thực hiện rất tốt công tác quản lí di sản văn hóa bởi vì đó không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà đó còn nhờ ý thức, hành động bảo vệ của chính mỗi người dân nơi đây”.

Di sản Mỹ Sơn – Câu chuyện khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trong nhiều năm trở lại đây, “du lịch văn hóa” đang trở thành xu thế được đông đảo công chúng ưa thích. Đây là một tín hiệu tốt dành cho cả ngành văn hóa và du lịch. Bởi mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch là mối quan hệ tương tác hai chiều: di sản văn hóa là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện quảng bá giá trị và thu được lợi nhuận để góp phần vào phục dựng, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.
 
a
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đang là một xu hướng mới mở ra cơ hội để quảng bá và phục dựng các giá trị di sản văn hóa

Dưới góc độ là một cán bộ đã từng công tác tại Ban quản lý di sản Mỹ Sơn, chị Trinh cũng trao đổi thêm một số định hướng, chính sách mà ban quản lý đã làm để phát triển du lịch văn hóa tại Mỹ Sơn: “Bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể thì cần bảo tồn thêm những văn hóa phi vật thể. Việc làm này giúp ổn định những sản phẩm di sản hiện có và bổ sung thêm những sản phẩm mới cùng các loại hình du lịch văn hóa giá trị , ví dụ như Ban quản lí di tích Mỹ Sơn đã phục dựng thêm các tiết mục múa, lễ cúng, nghi thức của người Chăm, du lịch trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm,… Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống và tuyên truyền, giáo dục di sản đến công chúng. Song song với đó là bảo đảm an ninh di tích và bảo vệ cảnh quan. Xúc tiến đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đi đôi với thân thiện, hòa hợp với môi trường, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của di sản đến các công ty du lịch trong và ngoài nước.” Chị Trinh còn chú ý thêm: “Cần đầu tư chiều sâu, vùng lõi và các vùng đệm để du lịch cộng đồng được thúc đẩy từ đó cộng đồng địa phương ở bên cạnh các di tích, di sản cũng được hưởng lợi vì thực tế nhân dân địa phương thu lợi về từ những giá trị di sản văn hóa còn khá ít nên chưa xây dựng, thu hút được nhiều sự chung tay của cộng đồng trong quản lý di sản”.

Những bài học thực tế

Khi được các bạn sinh viên đề cập đến những khó khăn trong công tác bảo tồn và phục dựng các di sản văn hóa tại miền Trung, chị Trinh chia sẻ: “Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên tại miền Trung. Mưa lớn, lũ lụt hay độ ẩm không thích hợp khiến các di sản văn hóa cũng bị thiệt hại và xuống cấp đáng kể. Thứ hai, về kinh phí dành cho việc bảo tồn di sản văn hóa còn hạn hẹp. Thứ ba, các di sản văn hóa gánh chịu những tác động nặng nề của chiến tranh. Chẳng hạn tòa tháp A1 tại Mỹ Sơn, đây là một kiệt tác kiến trúc phản ánh một thời hoàng kim của Vương quốc Champa nhưng chiến tranh đã đánh sập hoàn toàn và đến nay gặp khó khăn rất nhiều trong việc trùng tu. Thứ tư, công tác nghiên khoa học còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt về mặt nhân lực”.
 
a
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa tại miền Trung còn rất mỏng, do đó, rất cần những đóng góp của các sinh viên ngành Văn hóa học trong tương lai
 
Buổi talkshow diễn ra với thời lượng gần 2 giờ đồng hồ, tuy nhiên những giá trị, những bài học thực tế mà khách mời đem đến đã được các bạn sinh viên tham dự chương trình đón nhận rất nhiệt tình. Các bạn sinh viên biết được thêm những kỹ năng, kiến thức cần trang bị thêm trong quá trình học đại học để trở thành những nhân sự chất lượng cao trong ngành văn hóa. Bạn Phạm Ngọc Xuân Trang – sinh viên ngành Văn hóa học, trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng bày tỏ: “Tham dự buổi talkshow này đã giúp em có cơ hội được học những bài học rất bổ ích và những kiến thức thực tế rất quan trọng để sau này chúng em vững tin vào nghề. Sinh viên chúng em rất mong có những buổi chia sẻ như thế này để chúng em được trao đổi và tiếp thu thêm nhiều năng lượng, động lực theo đuổi đam mê văn hóa của mình”.

 

Tác giả bài viết: Trần Vỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CỰU SINH VIÊN – HỌC VIÊN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây