• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Phóng viên Lê Phong: Khi tiếp xúc nhân vật, hãy là một sứ giả thiện chí và chân thành

Thứ bảy - 25/12/2021 21:16
Được giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các phóng viên, nhà báo trong suốt quá trình học tập là thuận lợi lớn của sinh viên ngành Báo chí Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Riêng về thể loại điều tra, sinh viên ngành Báo chí và ngành Báo chí chất lượng cao Khóa 2018 được gặp gỡ phóng viên Lê Phong – người ghi nhiều dấu ấn với loạt bài điều tra trên báo Người lao động.
 
a
Buổi gặp gỡ này là sự chuẩn bị hành trang cho sinh viên K2018 bước vào kì thực tập và định hướng nghề nghiệp.

Từ những tuyến bài điều tra

Báo chí điều tra không mới nhưng luôn là thể tài hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của sinh viên báo chí. Để trở thành phóng viên điều tra, ngoài sự đam mê, dấn thân còn đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Trong gần 2 giờ đồng hồ trò chuyện, nhiều thắc mắc của sinh viên về quá trình thâm nhập hiện trường hay những khó khăn trong quá trình tác nghiệp điều tra đã được phóng viên Lê Phong giải đáp bằng sự thẳng thắn, chân tình.

Lê Phong kể về hành trình làm báo điều tra bằng loạt bài hàng nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt vùng vẫy khắp thị trường. Để thực hiện loạt bài này, anh đã nhập vai người phụ container từ Tiền Giang đến cửa khẩu Trung Quốc. Trong 5 ngày di chuyển, anh có mặt tại Lào Cai, biên giới Việt - Lào. Khi sang Trung Quốc, anh bị mất liên lạc với mọi người do nước sở tại không dùng các mạng xã hội như facebook, zalo… Anh cũng gặp trở ngại lớn về ngôn ngữ do không biết tiếng Hoa và không chuẩn bị kỹ các phương án liên lạc dự phòng và tiếp cận các mạng khác như telegram hay twitter. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực tìm kiếm sự thật, anh đã thực hiện thành công tuyến bài điều tra này. Chính lần bị lạc ở Trung Quốc đã giúp anh có thêm nhiều bài học đáng nhớ trong hành trình làm báo của mình.


Video thông tin phóng viên Lê Phong. Thực hiện: Nguyễn Bảo Trung 18CBCC

Từng thực hiện phóng sự điều tra ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, đến nay phóng viên Lê Phong cùng đồng nghiệp đã ghi được dấu ấn trong lòng độc giả với nhiều loạt bài phanh phui thực trạng bất cập. Nổi bật là “Hành trình lật mặt ăn xin đểu”. Trong vụ việc này, các phóng viên đã thâm nhập vào đường dây bằng cách tham gia “ăn xin” dưới trướng của những thanh niên xăm trổ, chuyên điều khiển người mất sức lao động tại TPHCM. Anh đã nhập vai người tàn tật đi xin tiền. Mỗi ngày những người đi ăn xin đều có người giám sát từ xa và sau mỗi buổi họ đều phải báo số tiền xin được cho “đại ca”. Anh kể rằng: để hoàn thành nhiệm vụ, không ít lần anh phải dằn lòng, kiềm chế khi tận mắt chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” chẳng hạn cảnh một cụ già bị đánh đập và bị hăm dọa vì một ngày không xin đủ 300 ngàn đồng.  

“Nếu không bình tĩnh trong những cảnh huống như vậy, phóng viên rất dễ bị phát hiện. Khi đó, phóng viên có thể bị hành hung, tịch thu phương tiện tác nghiệp và loạt bài điều tra có thể không thực hiện được. Và những người yếu thế sẽ không có cơ hội được bảo vệ kịp thời”, phóng viên Lê Phong chia sẻ.

“Khi thực hiện bài báo điều tra, sự an toàn của phóng viên trước, trong và sau bài viết luôn được tòa soạn ưu tiên hàng đầu. Do đó, phóng viên phải chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng với nhiều phương án dự phòng. Và trong nhiều trường hợp tác nghiệp, phóng viên, tòa soạn luôn có sự hỗ trợ từ cơ quan công an”, anh cho biết thêm.
 
a
Tuyến bài điều tra đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng “đường đi nước bước” của phóng viên. Nguồn: Báo Người lao động

Chia sẻ về công tác chuẩn bị khi nhận lệnh tác nghiệp trong những tình huống khẩn cấp, Lê Phong kể: “Chiếc ba lô đựng máy tính, máy ảnh, thiết bị go-pro, điện thoại có internet, sạc dự phòng, sổ tay và một vài vật dụng cá nhân luôn sẵn bên cạnh mình”. Đây được xem là một trong những căn dặn mà sinh viên cần ghi nhớ để chuẩn bị tốt nhất cho công việc sắp tới.

Đối với sinh viên báo chí, việc lựa chọn đề tài và tìm kiếm cơ hội cộng tác báo khi còn ngồi trên ghế nhà trường còn là gặp nhiều khó khăn do khả năng tác nghiệp còn hạn chế. Giải đáp về điều này, phóng viên Lê Phong cho hay, ngay từ thời sinh viên, anh đã rất thích đọc báo in. Anh còn cùng với bạn chung lớp tìm những vấn đề ngay trên đường phố. Anh kể trong một lần đi học từ nhà trọ đến trường, anh đi ngang qua đường Quang Trung, quận 12, trong Chợ Cầu và nhìn thấy rất nhiều rác thải bị vứt lăn lóc, không đúng nơi quy định. Ngay lúc đó anh đã sử dụng máy ảnh chụp lại, gửi về báo Tuổi Trẻ và nhận được nhuận bút. Từ trải nghiệm ấy, anh mạnh dạn cộng tác với các đề tài như thiếu trạm xe buýt, mái che trạm chờ xe buýt bị hỏng, ổ gà trên đường, chế biến sương sa hạt lựu bẩn.

“Hãy để ý các báo thường có mục cho cộng tác viên ví dụ như Bạn đọc và Góc ảnh. Đó chính là sân chơi và môi trường thuận lợi cho các bạn thử sức. Bạn cũng có thể tìm kiếm đề tài bằng sự quan sát ngay trên đường. Đi nhiều, nghe nhiều và thiết lập mối quan hệ với các phóng viên các báo cũng là cách học hỏi và cộng tác tốt”, Lê Phong chia sẻ thêm.

Không chỉ ở mảng báo chí điều tra, Lê Phong còn được nhớ đến với nhiều sự kiện thiên tai trong và ngoài nước.

Trong đợt tác nghiệp tại Lào 3 năm trước, khi xảy ra vụ vỡ đập nghiêm trọng tại tỉnh Attapeu, ngay chiều hôm xảy ra vụ việc, anh nhận được thông tin của tòa soạn và được cử sang Lào. Có mặt tại Lào và khá bỡ ngỡ do bất đồng ngôn ngữ, anh và đồng nghiệp đã bị mắc kẹt giữa trận lũ. Anh đặc biệt ám ảnh bởi thi thể nạn nhân ở khắp nơi.

Có một phụ nữ Việt bị lũ cuốn trôi và mất liên lạc với người thân. Khi gặp được phóng viên Việt Nam, bằng hơi thở yếu ớt, chị đã nhờ anh quay video clip, nhờ anh đăng lên báo và gửi về gia đình giúp chị. Không lâu sau khi tác phẩm được đăng trên báo Người lao động, chị đã gặp được người thân ở Việt Nam. “Khi đó thiên chức của phóng viên không chỉ là người đưa tin mà còn là người kết nối nạn nhân với người nhà, với quê hương. Và khi tiếp xúc nhân vật, hãy là một sứ giả thiện chí và chân thành”, phóng viên Lê Phong nhấn mạnh.

Vì thiếu nước sạch trầm trọng, sau khi trở về, anh đã bị viêm da. Dù gian khổ thế nhưng anh vẫn luôn vui vẻ dấn thân vì nguồn động viên lớn là thông qua tác phẩm báo chí, anh giúp nạn nhân liên lạc được với người thân và nhiều bạn đọc.
 
1
Chuyến công tác tại Lào dù gian nan, vất vả nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện đáng quý về tình người. Nguồn: Báo Người Lao Động

Đến một Youtuber “lành tính”
Bên cạnh công việc làm báo, anh Lê Phong còn đặc biệt gây ấn tượng với sinh viên bằng kênh youtuber Phong Bụi. Anh bắt đầu làm youtube từ thời gian sống ở Thái Lan, trong một lần tình cờ đi vào vùng Tam Giác Vàng và phát hiện ở đó có làng người cổ cao. Những thước phim đầu tiên được anh đăng tải để lưu giữ những câu chuyện khi sinh sống tại Thái Lan là lý do anh quyết định lấy tên Phong Bụi cho kênh youtube của mình.
 
a
Kênh Youtube Phong Bụi thu hút rất nhiều khán giả theo dõi bởi sự chân thực và nhân văn. Nguồn: Youtube Phong Bụi

Chưa dừng lại ở đó, “nhân duyên” còn đưa anh đến với youtube khi trở lại Việt Nam.

Trong một lần lang thang ở Bến Tre, anh đã phát hiện ra một người đàn ông bị xích giữa khu rừng dừa. Đó là một người đàn ông Việt Nam từng tham gia chiến trường Campuchia. Khi chiến tranh kết thúc và trở về nước, người đàn ông này đã lập gia đình nhưng tinh thần không ổn định nên đã gây ra cái chết đau lòng cho con gái mình.
Để tránh nỗi đau về sau, gia đình đã xích ông lại và để quên ông mười mấy năm.

Anh đã ghi lại câu chuyện với mong muốn giúp mọi người được rõ. Không ngờ video clip khi đăng tải lên lại có rất nhiều người quan tâm. Đã có rất nhiều người liên lạc với mục đích hỗ trợ cho người đàn ông này. Cuối cùng, video của anh đã trở thành tiền đề đưa một người biệt lập giữa rừng trở thành một người tử tế.

“Youtube là một mạng xã hội trên nền tảng ảo, nhưng thực tế là nó kết nối rất nhiều người. Youtube là một cách để mình chia sẻ hành trình và trải nghiệm của bản thân và là một cách kết nối mọi người với nhau”, Lê Phong chia sẻ.
Từ đó kênh youtube Phong Bụi hoạt động mạnh mẽ với nhiều mảng đề tài. Đến nay đã có 864 nghìn lượt đăng ký theo dõi.

Những clip dùng để đăng trên Youtube đều có kế hoạch sản xuất cụ thể. Anh thường dành 2 ngày cuối tuần để dựng các video đi quay trước đó. Có khi một ngày anh ghi hình đến 8-9 clip. Anh đảm nhận việc quay, dựng và đăng tải clip. Anh thích sử dụng long shot vì muốn chuyển tải một cách nguyên sơ, chân thực nhất hình ảnh nhân vật, cuộc sống như chính cách mà anh nhìn thấy.

Người phóng viên kiêm Youtuber này đã để lại ấn tượng với người đối diện bằng sự thiện chí và chân thành của mình.
 
a
Có hàng trăm nhân vật, hoàn cảnh đặc biệt xuất hiện trong các video clip của anh. Nguồn: Youtube Phong Bụi

Trong hành trình tìm về xác ướp không phân hủy hơn 50 năm ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thời điểm anh đến nơi thì chủ nhà không cho quay hình. Dù vậy, anh không rời đi mà chọn cách ở lại trò chuyện với họ một cách gần gũi. Kết quả là người thân đã đổi ý và cho phép ghi hình. Anh trở thành một trong những youtuber hiếm hoi được chia sẻ chân thực về câu chuyện ấy.

“Khi tiếp cận một nhân vật là một người lạ thì sự thiện chí, sự gần gũi luôn luôn tạo cảm tình cho đối phương. Mình đi quay trong hoàn cảnh chính bản thân mình cũng chưa biết gì nhiều. Mình muốn người xem cũng được trải nghiệm về những cảm xúc bất ngờ như thế qua hình ảnh mình kể”.

"Muốn cuộc trò chuyện diễn ra một cách chân thực và tự nhiên nhất, không nên giương chiếc camera ngay trước mặt họ. Thay vào đó, hãy sử dụng điện thoại và thiết bị ghi hình nhỏ. Như vậy sẽ giúp người đối diện dễ chịu và không khiến họ dè chừng với những điều chuẩn bị nói ra", anh Phong chia sẻ. Đây cũng một lần nữa nhắc nhớ sinh viên, bởi chính các bạn cũng thường xuyên bị nhân vật từ chối ghi hình phỏng vấn.

Với phóng viên Lê Phong, dù làm hai nghề cùng lúc nhưng anh luôn phân biệt rạch ròi đặc thù của cả hai. “Nghề báo cho mình kĩ năng giao tiếp, tư duy, tiếp cận thông tin, có nhiều đòi hỏi đặc thù. Còn làm youtube mình được tiếp cận bà con nhiều hơn, được trò chuyện gần gũi hơn. Đó cũng là chất liệu phục vụ cho công việc làm báo của mình rất nhiều” anh Phong cho hay.

Ngoài những trải nghiệm đáng nhớ do chính anh chia sẻ, thông điệp lớn nhất mà tất cả người nghe đều cảm nhận được mà không đợi anh nói ra chính là sự chân thành, thiện lương và nỗ lực không biết mệt mỏi của một người đưa tin. Nhiều lúc tưởng chừng đã mệt mỏi, nhưng sau cùng những điều người phóng viên này theo đuổi cũng cán đích.
Hiện anh và nhóm cộng sự đang làm chủ quán Trạm cơm nghĩa tình tại quận 5, TPHCM với giá khoảng 10 ngàn đồng/suất. Sinh viên, người lao động nghèo, bệnh nhân được miễn phí. Lý do anh làm việc này cũng muốn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn như cách anh được giúp đỡ để trưởng thành.

Suốt 2 tiếng đồng hồ, chưa một lần thấy anh kể về những gian khổ bằng một giọng khó nhọc hay biện minh. Ngược lại, anh luôn cho thấy tinh thần vượt khó, “cái khó ló cái khôn”.  Tinh thần và cảm xúc anh mang lại chính là động lực lớn nhất giúp sinh viên ngành Báo chí K18 thêm tự tin, vững tâm bước vào nghề.

Có mặt trong buổi giao lưu này, sinh viên Thái Thành Văn – Lớp 18CBC3 chia sẻ: “Mình cảm thấy may mắn khi có cơ hội giao lưu và trò chuyện với anh Lê Phong, nhất là trong giai đoạn những sinh viên năm thứ 4 như mình đang chuẩn bị thực tập và tốt nghiệp. Mình thường gặp khó khăn trong việc tư duy đề tài, cũng như tiếp cận và khai thác thông tin từ nhân vật. Nhờ những kinh nghiệm mà anh Phong chia sẻ trong buổi trò chuyện, mình đã nhận ra khuyết điểm của bản thân và tìm được cách khắc phục vấn đề. Điều đáng quý hơn nữa là nguồn cảm hứng mà anh mang lại đã giúp mình thêm tự tin và mạnh mẽ để theo đuổi nghề báo, cũng như khởi nghiệp trong tương lai.”
 
a
Chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình

Cuộc gặp gỡ, giao lưu của phóng viên Lê Phong và sinh viên ngành Báo chí và ngành Báo chí chất lượng cao Khóa 2018 diễn ra trên nền tảng Microsoft Teams chiều 18/12/2021. Buổi giao lưu có sự tham gia của ThS. Phạm Thị Hương – Trưởng Bộ môn Báo chí, ThS. Trần Thị Tuyết – Giảng viên Tổ Báo chí cùng hơn 100 sinh viên. Nhiều câu chuyện, kinh nghiệm tác nghiệp và quan điểm sống đã được chia sẻ trong không khí chân tình, xúc cảm, lắng đọng. Đây là hoạt động thuộc kế hoạch tư vấn trước kỳ thực tập và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Báo chí, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Tác giả bài viết: Diệu Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây