Đó là chủ đề cuộc giao lưu giữa hơn 100 sinh viên Khóa 20 ngành Báo chí và ngành Báo chí chất lượng cao, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng với Kĩ thuật viên (KTV) Lương Ngô Trí Nhân, Trung tâm Sản xuất Chương trình, Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) tối 16/4/2022 tại giảng đường B3 502.
Tại buổi giao lưu, anh Trí Nhân chia sẻ một số kinh nghiệm nghề nghiệp mà anh đúc rút được trong suốt 8 năm làm việc tại Truyền hình Tuổi trẻ trong vai trò là kĩ thuật viên dựng tin, phóng sự và phóng sự điều tra. Anh cho rằng, để có được sản phẩm truyền hình chất lượng, trước hết phải quay đủ các shot hình đúng kĩ thuật, thể hiện tốt nội dung câu chuyện. Tiếp đó, cần chọn lọc, biên tập và sắp xếp các cụm hình theo cấu trúc nhất định. Việc sắp xếp này phải thể hiện rõ ý tưởng “đường dây hình” đã được đặt ra trước khi quay và dựng phim.
Đối với phóng sự không lời bình, bên cạnh các shot hình động, trích đoạn phỏng vấn; tiếng động hiện trường giữ vai trò cực kì quan trọng. Tiếng động hiện trường là một phần nội dung thông tin và là chất liệu làm nên tính sinh động, hấp dẫn của tác phẩm truyền hình. Lương Ngô Trí Nhân từng đạt Giải Nhất cuộc thi “Thông điệp cuộc sống” 2020 do HTV tổ chức với tác phẩm Mang “Trăng rằm tuổi thơ” về với trẻ em vùng sâu tỉnh Đồng Nai. Anh đã chia sẻ kinh nghiệm của mình và nhấn mạnh vai trò của tiếng động hiện trường, âm nhạc trong thành công của tác phẩm.
Về kĩ thuật dựng hình, anh Nhân minh họa một số cách dựng theo vòng xoắn hình trôn ốc, bắt đầu từ cảnh cận hoặc cảnh toàn để kể câu chuyện. Những kĩ thuật này được thay đổi linh hoạt tuỳ vào tư duy và mục đích của người dựng. Ngoài ra, anh Nhân cũng nhắc đến một số lỗi sinh viên thường mắc phải khi quay và dựng tin, phóng sự bằng chính câu chuyện mà anh đã hướng dẫn sinh viên thực tập trước đó. Một số lưu ý về nghiệp vụ quay, dựng và viết lời bình cho phóng sự điều tra cũng được anh Nhân phân tích thông qua các sản phẩm cụ thể.
Trước đó, sinh viên các lớp 20CBC1, 20CBC2, 20CBC3 và 20CBCC đã có những buổi học trực tiếp và trực tuyến trên hệ thống MSTeam với nhiều khách mời. Cụ thể, ngày 6/3/2022, phóng viên truyền hình Nguyễn Hưng, Đài Truyền thanh - Truyền hình Tiên Phước, Quảng Nam đã chia sẻ cách sử dụng thiết bị ghi hình và kĩ thuật quay phim.
Ngày 12/3/2022, sinh viên được học cùng ThS. Phan Văn Tú, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM về xu hướng phát triển của truyền hình hiện đại.
Ngày 20/3/2022, sinh viên được học cùng ThS. Nguyễn Phát Tài, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM về ứng dụng tin học trong sản xuất chương trình truyền hình.
Ngày 03/4/2022, sinh viên được học cùng ThS. Cù Thị Thanh Huyền, Đại học Văn Lang về Phim tài liệu truyền hình.
Những hoạt động giao lưu với khách mời thường được lồng ghép tổ chức trong các học phần thuộc chương trình đào tạo ngành Báo chí và ngành Báo chí chất lượng cao và tạo được không khí học tập sôi nổi trong sinh viên. Bạn Thân Đức Tỉnh lớp 20CBC1 cho biết: “Ngoài những tiết học chính thức trên lớp, những buổi học giao lưu, ngoại khóa như thế này rất hữu ích với mình, giúp mình tự tin hơn trong giao tiếp và sẵn sàng tâm thế bước vào thực tiễn nghề báo”.