Với Hà Diễm, ấn tượng nhất với chị là kì thi vào VOH. Các ứng viên phải biên tập 8 tin, bài cho một chương trình phát thanh trong thời gian 20 phút. Sau đó, ứng viên được mời vào studio để thể hiện phần thi kiểm âm. Điều khó nhất của phần thi này việc biên tập tin, bài sao cho đúng ngôn ngữ phát thanh. Đồng thời, việc chuyển thông tin đó bằng giọng đọc làm sao để vừa đạt yêu cầu truyền tải thông tin vừa tạo được cảm xúc, cuốn hút người nghe bằng chất giọng, ngữ điệu riêng.
Ứng viên còn được đi thực tế tại một hiện trường chỉ định sẵn với yêu cầu thực hiện một tác phẩm phát thanh. Sau đó, ứng viên về Đài viết bài, sử dụng phần mềm Adobe Audition biên tập âm thanh, thể hiện tác phẩm hoàn chỉnh. Theo Hà Diễm, đây là công đoạn tổng hợp kiến thức, kĩ năng được đào tạo tại trường, đặc biệt là qua các bài thực hành ở các học phần chuyên ngành. Vì vậy, việc chăm chỉ thực hành các bài tập trong các môn học và việc tham gia các hoạt động tại các câu lạc bộ, đội - nhóm, các sự kiện, cuộc thi thời sinh viên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ứng tuyển cũng như công việc sau này.
Đường đến với phát thanh của Hà Diễm tuy mới khoảng 5 năm nhưng cũng đánh dấu nhiều kỉ niệm. Với chị, kỉ niệm nhớ nhất là việc xoay xở để dẫn trực tiếp tại đêm chung kết Cuộc thi Micro Vàng 2019. Hà Diễm gặp một vài sự cố khi không kết nối được với khách mời ngay trong phần thi của mình. Dù đã làm tốt công tác phóng viên trước đó nhưng khi lên sóng, đến hơn nửa thời gian, phần giao lưu với khách mời vẫn không thể kết nối được. Dù hồi hộp, lo lắng nhưng chị cũng cố trấn tĩnh, xoay xở dẫn chuyện để không trống sóng. Rất may, ở lần thứ 3 chị đã kết nối được và hoàn thành tốt phần thi của mình. Hà Diễm cho rằng, giải Á quân Micro Vàng là một may mắn. Bởi chị đã được Ban giám khảo đánh giá và ghi nhận sự nỗ lực trong suốt cuộc thi.
Để trở thành Host Radio hôm nay, Hà Diễm đã phải nỗ lực rất nhiều. Chị cho rằng, đó là một hành trình góp nhặt từng ngày để tạo niềm tin: niềm tin với thầy cô, đồng nghiệp, thính giả và khách mời... “Làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, hoàn thành tốt công việc được giao bằng cái tâm chân thành. Khi niềm tin đã được gầy dựng, cơ hội sẽ tìm đến với mình một cách bất ngờ”. Chuyện về cơ duyên đến với kênh FM sức khỏe - Đài Tiếng nói Việt Nam; đến với Micro Vàng 2019 hay trở thành phóng viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM là những trải nghiệm bất ngờ như thế.
Mặc dù là gương mặt khá trẻ, Hà Diễm đã và đang ghi dấu trong lòng khán thính giả với vai trò Host Radio tại VOH và đang khẳng định được “thương hiệu” qua các chương trình trực tiếp như Thành phố lên đèn, Sài Gòn FM, Nhịp sống 877… Ngoài ra, chị còn được biết đến qua một số blog radio.
Host Radio có gì vui?
Trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện, phát thanh nói riêng và báo chí nói chung đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ về thị phần công chúng. Phát thanh vẫn có lối đi riêng khi đang khẳng định được ưu thế của mình, đặc biệt với nhóm đối tượng công chúng trẻ. Podcast là một minh chứng.
Để thích ứng với nhịp sống hiện đại, phát thanh đang trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc tiếp cận thính giả. Người làm phát thanh cũng trở nên đa năng hơn.
Host Radio, đặc biệt trong các chương trình phát thanh trực tiếp có livestreams luôn đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc. Tại VOH, Hà Diễm đồng thời vừa xây dựng kịch bản, chọn nhạc cho chương trình, liên hệ khách mời, MC trực tiếp, kết nối tương tác với thính giả và làm chủ bàn trộn âm thanh (mixer) .
Theo Hà Diễm, mô hình phát thanh trực tiếp này khiến những người làm phát thanh được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc trong khi làm chương trình. “Tại một số chương trình, đôi khi mình có được cảm giác như một DJ khi vừa được làm chủ từ khâu chọn nhạc, đến chọn nội dung chủ đề, nền nhạc với bài viết, giọng dẫn”, MC Hà Diễm chia sẻ.
Chia sẻ về kĩ năng xử lí tình huống trong các chương trình phát thanh trực tiếp, Hà Diễm cho rằng: quản lí cảm xúc rất quan trọng. MC phải làm sao vừa cân bằng câu chuyện cảm động khách mời hoặc sự việc quá bức xúc thính giả gọi vào vừa đảm bảo nhiệm vụ thông tin, truyền thông của Đài.
Trong một vài tình huống, kĩ năng sử dụng bàn trộn âm thanh là rất quan trọng. MC có thể kéo fader âm thanh nổi lên, tắt voice của khách mời tại studio để có thể trao đổi về việc có tiếp tục chia sẻ câu chuyện hay hẹn thính giả dịp khác để sang phần sau của chương trình.
Tuy nhiên, cái khó của Host Radio chính là việc vừa dẫn với khách mời, tương tác với thỉnh giả vừa điều khiển bàn mixer. Nếu mất tập trung, lỡ để rớt sóng khoảng 5 -7 giây sẽ bị nhà đài kiểm điểm.
Chia sẻ về bí kíp làm phát thanh đối với phóng viên trẻ, Hà Diễm cho rằng, thay đổi và thích ứng là đòi hỏi bắt buộc. Công việc của MC phát thanh cũng như “làm dâu trăm họ” không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. “Khi nhận những phê bình, góp ý điều đầu tiên... dĩ nhiên là buồn. Tuy nhiên, để tiếp tục con đường này, mình phải luôn biết lắng nghe. Phải luôn trong tâm thế tiếp thu và điều chỉnh, sẵn sàng thay đổi để thích ứng. Phải tự nỗ lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, trong công việc cũng như trong cuộc sống”, MC Hà Diễm trải lòng.
Diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ nhưng sự kiện vẫn thu hút sự chú ý của gần 60 sinh viên. Buổi giao lưu đã mang lại cho các bạn sinh viên nhiều bài học thiết thực, bổ ích. Bạn Lê Minh Tín, sinh viên lớp 19CBC2 chia sẻ: “Sau buổi giao lưu mình đã có cơ hội hiểu hơn về quy trình sản xuất phát thanh phát thanh trực tiếp và về công việc của Host Radio trong thực tế. Đây là dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng quý báu để chuẩn bị hành trang cho công việc sau này”.
Buổi giao lưu được tổ chức trong khuôn khổ học phần Sản xuất chương trình phát thanh thuộc ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Tại buổi giao lưu, sinh viên K19CBC cũng chia sẻ một số sản phẩm Podcast của mình. Trong đó, nổi bật nhất là 2 kênh Podcast Lên Đèn và Ngân San những điều vụn vặt.
Bài: Trần Vỹ
Ảnh và video: Nhóm truyền thông K19CBC
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn