• <h3>Các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng</h3>
  • <h3>Seminar “Các xu hướng báo chí và tin tức trong môi trường số” do Giáo sư Nguyễn Đức An - Giáo sư toàn phần, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông, khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương Quốc Anh chủ trì.</h3>

Tôi học làm phóng viên thể thao

Thứ hai - 01/11/2021 22:00
Tôi được học làm phóng viên thể thao khi đăng ký học phần tự chọn: Kỹ năng khai thác và xử lý thông tin thể thao trong chương trình đào tạo ngành cử nhân Báo chí, Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng (2018-2022).
Từ nhỏ, tôi đã rất thích thể thao. Vì thế, tin tức thể trong nước và quốc tế được phát trên tivi hay các hoạt động thể thao tại địa phương, tôi đều quan tâm theo dõi. Thời trung học, tôi tham gia Hội khỏe phù đổng và một số cuộc thi thể thao cấp trường, cấp huyện với các môn bóng đá, bóng chuyền, nhảy cao… Lên đại học, tôi vẫn là thành viên tích cực trong các hoạt động thể thao của Khoa, của Trường.
 
a
Tác giả (hàng đầu, bên trái) tham gia giải bóng chuyền chào mừng 20/10/2019 do LCĐ Khoa Ngữ Văn tổ chức tại nhà thi đấu đa năng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng. Ảnh: LCĐ Khoa
 
a
Tình huống nỗ lực cứu bóng bằng chân trái của tác giả khiến đối thủ ngỡ ngàng. Ảnh: LCĐ Khoa

Để trở thành phóng viên thể thao
Đối với tôi, mỗi chiều thứ 7 tháng 10/2021 online trên MS Team đều là những cuối tuần vui. Bởi đó là những buổi học đặc biệt khi đam mê thể thao của tôi được tiếp lửa qua những chuyện nghề thú vị từ phóng viên Văn Quốc Nhân - Trưởng ban Thể thao tạp chí điện tử Saostar.

Tại các buổi học, chúng tôi được chỉ dẫn cách tác nghiệp tại các sự kiện thể thao trong và ngoài nước; cách xây dựng mối quan hệ để có nguồn tin từ các cầu thủ và ban huấn luyện; cách tích lũy kinh nghiệm bằng những chuyến công tác với các giải thể thao được tổ chức tại địa phương…
 
a
Không khí buổi học trên Ms Team.
“Đối với phóng viên thể thao mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm tác nghiệp và còn ít nguồn tin thì việc tích cực tham dự các giải đấu thể thao ở các tỉnh là cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ với cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên, ban tổ chức”, phóng viên Văn Nhân chia sẻ từ chính trải nghiệm của mình.

Tôi khá ấn tượng về câu chuyện anh tham gia cộng tác với 7 tờ báo trong chuyên mục thể thao khi còn là sinh viên. Sài Gòn giải phóngTuổi Trẻ là hai tờ báo tạo nhiều sân chơi, cơ hội đăng bài cho anh. Đây cũng là nơi cho anh gặt hái một số giải thưởng, trong đó có giải trị giá tới 5 triệu đồng. Euro trong tôi, Khát vọng Olympic (2012) là những cuộc thi ghi nhận sự nỗ lực, giúp anh tự tin lựa chọn và gắn bó với công việc của phóng viên thể thao sau này.

Từ việc thích chơi đá bóng, quan tâm đến tin tức bóng đá, boxing, bơi lội… anh học báo chí và trở thành phóng viên thể thao. Sau 7 năm ra trường, từ một phóng viên thể thao, anh trở thành Phó ban thể thao Báo Thể thao 24h và nay là Trưởng ban Thể thao Tạp chí điện tử Saostar.
 
a
 Đây là nơi các bạn sinh viên trao đổi, chia sẻ thông tin về các vấn đề, sự kiện và đọc các bài báo liên quan ngoài các giờ học trên MS Team.

Chuyện nghề của anh khiến tôi nhận ra: đam mê thể thao mới chỉ là yếu tố cần; biến đam mê đó thành công việc giúp mình phát triển mới là yếu tố đủ để trở thành phóng viên thể thao chuyên nghiệp. Điều này, cần sự đam mê, nỗ lực, chịu khó học hỏi và “siêng” đi thực tế như lời phóng viên Văn Nhân nhắn nhủ.

Tập làm phóng viên thể thao qua tác nghiệp thực tế

Học phần này diễn ra khi đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á và U23 Việt Nam thi đấu vòng loại U23 Châu Á 2022. Vì thế, các trận đấu chúng tôi đều phải xem. Một bài thực hành được đưa ra khi chúng tôi xem trận Việt Nam - Oman diễn ra lúc 0h 13/10/2021.

Chúng tôi được yêu cầu tác nghiệp như phóng viên thao thể thao thực thụ. Khác với việc xem đá bóng thông thường, chúng tôi phải tìm cho được một góc tiếp cận để viết bài sau trận đấu.

Công tác phóng viên được đặt ra: tìm hiểu thông tin trước trận đấu; theo dõi các cuộc họp báo sau trận đấu và tìm thông tin về các phát biểu của các nhân vật liên quan như ông chủ câu lạc bộ, ban trọng tài, các cựu danh thủ…
Kết quả là một số nội dung nhiều bạn quan tâm và được phóng viên Văn Nhân đánh giá cao như: việc sử dụng VAR trong thể thao, nhiều tình huống phạt đền nói lên điều gì, cộng đồng mạng trong và ngoài nước bàn về trận đấu….
a
Ý tưởng về dư luận cộng đồng mạng sau trận Việt Nam – Oman được nhiều sinh viên lựa chọn viết bài thực hành.

Ý tưởng bài viết là quan trọng nhất. Sau khi có ý tưởng, việc còn lại là đọc, phân tích, thẩm định và lựa chọn thông tin để phát triển ý tưởng đề tài. Văn phong báo chí sẽ được hoàn thiện dần theo từng “e”, “gu” báo, phóng viên Văn Nhân chia sẻ trong buổi sửa bài thực hành cho chúng tôi.

Sau mỗi bài viết, chúng tôi được phóng viên trao đổi, phân tích lỗi sai, ưu điểm, hạn chế từng bài. Qua đó, chúng tôi rút ra nhiều bài học bổ ích, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân.

“Mình cảm thấy thể thao không khô khan và khó như mình đã từng nghĩ. Mình được học và tiếp cận với nhiều điều thú vị. Thể thao cũng giống như một bản nhạc, có những nốt trầm và bổng. Điều quan trọng là phóng viên thể thao nhìn nhận sự kiện thắng – thua sao cho phù hợp thực tế, cân bằng và công bằng khi đánh giá”, bạn Nguyễn Văn Lương – Sinh viên lớp18CBC2 bày tỏ.

Tôi hoàn thành bài tập bằng hình thức thứ 2 là viết bài về sự kiện thể thao tại địa phương. Tâm trạng tôi lúc đó vừa lo lắng vừa háo hức vì đây là cơ hội để trải nghiệm thực tế. Đã từng viết bài và được đăng trên báo Thanh Niên nhưng là mảng đề tài khác); lĩnh vực thể thao tôi đã thử sức là gửi bài cộng tác nhưng chưa lần nào được đăng. Vì thế lần này, tôi cũng hơi bị áp lực.

Tôi di chuyển 13km từ Bình Lâm đến Hiệp Đức bằng xe máy để kịp tham dự trận chung kết diễn ra lúc 16h ngày 10/10/2021 tại sân bóng nhân tạo Hiệp Đức giữa đội Bình Lâm FC (Hiệp Đức, Quảng Nam) và Phú Minh Thuận (Quế Sơn, Quảng Nam) Đây là trận đấu bế mạc giải bóng đá phong trào “Champions Hiệp Đức”  tổ chức tại Thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức, Quảng Nam) dành cho 7 người.

Dù bài viết chưa được phóng viên Văn Nhân đánh giá cao nhưng với tôi đó là lần tác nghiệp đáng nhớ. Chỉ dừng lại ở một tin ngắn cập nhật kết quả trận đấu nhưng điều khiến tôi vui nhất là sự phản hồi bằng những nhận xét, góp ý từ chính phóng viên thể thao: thêm một vài bình luận về sự cần thiết của những hoạt động thể thao địa phương để hoạt động thể thao quần chúng được phát triển và truyền thông nhiều hơn. Từ đây, tôi thấy tự tin hơn để bước tiếp con đường phía trước, dù biết rằng để trở thành phóng viên thể thao, tôi phải nỗ lực không ngừng.
 
a
 Bài thực hành của tác giả tác nghiệp thể thao địa phương

Dự kiến Trưởng ban Thể thao Tạp chí điện tử Saostar Văn Nhân sẽ tổ chức cho chúng tôi tham quan trận tập luyện của CLB bóng đá Quảng Nam trước khi kết thúc học phần.  “Tôi chờ đợi chuyến đi này. Vì đây sẽ là lần đầu tiên tôi có cơ hội đến xem buổi tập của một CLB. Tôi sẽ quan sát để biết được công việc của phóng viên thể thao trong một buổi tập của đội bóng hay một trận đấu trên thực tế diễn ra thế nào”, bạn Huỳnh Quang Điền Trung – Sinh viên lớp 18CBC1 hào hứng chia sẻ.

Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội trải nghiệm tác nghiệp của phóng viên thể thao từ chuyến tham quan thực tế này.  Tuy nhiên, hứa hẹn về kết quả làm bài thu hoạch thực tế này còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID -19.


 
Trần Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây