Buổi tư vấn có sự tham gia của TS. Hồ Trần Ngọc Oanh – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngữ văn, TS. Nguyễn Phương Khánh – giảng viên Khoa Ngữ văn, cùng 2 cựu sinh viên là anh Nguyễn Kim Cường – Cựu SV 06CVH, ngành Cử nhân Văn học và chị Phan Huyền Trâm – Cựu SV 09CVHH, ngành Cử nhân Văn hóa học.
Mở đầu chương trình, TS. Hồ Trần Ngọc Oanh cho biết, hiện nay Khoa Ngữ văn đang đào tạo 5 chuyên ngành Đại học là: Sư phạm Ngữ văn, Cử nhân Văn học, Cử nhân Văn hóa học, Cử nhân Báo chí và Cử nhân Báo chí chất lượng cao. Ở bậc Thạc sĩ có Thạc sĩ Ngôn ngữ học, Thạc sĩ Văn học Việt Nam. Ở bậc Tiến sĩ có 2 chương trình là Tiến sĩ Ngôn ngữ học và Tiến sĩ Văn học Việt Nam. Ngoài ra ở Khoa Ngữ văn còn có các khóa đào tạo Tiếng Việt ngắn hạn dành cho người nước ngoài. Ngoài đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa Ngữ văn còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
“Đến với Khoa Ngữ văn, bạn có thể thỏa sức đam mê với văn chương, ngôn ngữ, văn hóa, báo chí, có cơ hội tham gia các đợt trao đổi sinh viên ngắn hạn với các trường đại học trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…), có cơ hội học tập, nâng cao trình độ ở các khóa đào tạo sau đại học. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các bạn sinh viên khi học tập tại Khoa” – TS. Hồ Trần Ngọc Oanh cho biết.
Nhằm đem lại cái nhìn đa chiều hơn với chương trình và kết quả đào tạo, chương trình tư vấn tuyển sinh còn có sự có mặt của anh Nguyễn Kim Cường – Cựu SV khóa 06CVH, đang công tác tại Trường đại học Công nghệ Thông tin – TT Việt Hàn và chị Phan Huyền Trâm – Cựu SV khóa 09CVHH hiện đang công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng.
Sự lựa chọn của thí sinh đối với các ngành học ở bậc Đại học trước hết xuất phát từ niềm đam mê, nhưng bên cạnh đó, một điều hết sức quan trọng chính là thí sinh cần phải cân nhắc môi trường học tập và cơ hội việc làm sau này. Theo anh Nguyễn Kim Cường – Cựu SV khóa 06CVH, sinh viên khoa Ngữ văn nói chung và sinh viên ngành Cử nhân Văn học nói riêng có thể được nhận vào những vị trí như: phóng viên, biên tập viên, giáo viên, chuyên viên…
“Sau khi ra trường từ năm 2010, tôi đã trải qua nhiều vị trí đa dạng như: Chuyên viên phòng Công tác Sinh viên, Chuyên viên phòng Tổ chức Nhân sự, hiện tại tôi là Chuyên viên phòng Thanh tra Pháp chế của Trường Đại học CNTT – TT Việt Hàn. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Cử nhân Văn học là rất nhiều, rất phong phú” – Anh Cường chia sẻ.
Còn chị Phan Huyền Trâm - Cựu SV khóa 09CVHH bày tỏ sự cảm thông với các bạn thí sinh khi băn khoăn không biết mình sẽ chọn ngành nghề gì. Chị Trâm chia sẻ, sinh viên ngành Văn hóa học có thể công tác trong các cơ quan, Sở ban ngành như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Sở Thể thao Du lịch của các tỉnh thành, các phòng văn hóa thông tin của các quận huyện, cán bộ văn hóa xã hội tại các xã phường, hoặc trở thành nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu kinh tế phát triển xã hội hoặc các Hội Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật hay có thể trở thành giáo viên, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Có thể nói, ngành Văn hóa học đem lại sự lựa chọn ngành nghề và cơ hội việc làm rất rộng mở.
Chia sẻ về chương trình đào tạo của Khoa Ngữ văn đáp ứng như thế nào đối với việc làm sau khi ra trường, cả hai cựu sinh viên đều đồng tình với việc: Kiến thức học được ở trường đáp ứng rất tốt cho công việc sau này.
Cụ thể, anh Nguyễn Kim Cường chia sẻ: “Ngoài những kiến thức chuyên môn, thầy cô còn lồng những bài học thực tế vào bài giảng. Thầy cô thường giao những bài tập để sinh viên rèn luyện tính chủ động. Nhờ đó sau khi ra trường, chúng tôi nhận thấy rằng mình tự chủ được công việc. Ngoài ra, trong quá trình học tập, chúng tôi được thầy cô định hướng vị trí việc làm và xác định công việc phù hợp với thế mạnh từng người. Nhờ đó, sau khi ra trường được 6 tháng, 50% sinh viên lớp tôi có việc làm trong ngành giáo dục và giảng dạy môn Ngữ văn tại các trường THPT, 30% công tác trong lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo đài, còn lại làm ở các cơ quan hành chính, nhân viên văn phòng của các cơ quan nhà nước”
“Tôi ứng dụng được rất nhiều những gì mà chương trình đào tạo của ngành Văn hóa học đem lại trong quá trình làm việc. Bên cạnh cung cấp kiến thức thì thầy cô cũng giúp đỡ rất nhiều trong quá trình trải nghiệm, thực tế, kiến tập thực tập tại các cơ quan để chúng tôi nhìn nhận về công việc sau này là như thế nào. Không chỉ tôi mà các thế hệ cựu sinh viên Văn hóa học cũng đang công tác tại Sở Văn hóa và thể thao, các đơn vị trực thuộc Sở, cán bộ văn hóa của các đơn vị xã phường tại Đà Nẵng và các tỉnh thành khác” – Chị Phan Huyền Trâm nói.
Ngoài phần chia sẻ của các cựu sinh viên, chương trình tư vấn tuyển sinh còn trả lời những câu hỏi, thắc mắc của thí sinh về chương trình đào tạo. Giải đáp thắc mắc việc học tập chương trình hai tại Khoa Ngữ văn, TS. Hồ Trần Ngọc Oanh cho biết: “Nếu các bạn học Văn hóa học nhưng các bạn lại đam mê phát triển Báo chí Truyền thông thì các bạn hoàn toàn có thể đăng ký học chương trình hai ngành Cử nhân Báo chí hoặc Báo chí Chất lượng cao. Để đăng ký học chương trình hai, bạn cần hoàn thành chương trình năm nhất của chương trình 1 mà các bạn đang học và đạt học lực loại khá. Trong quá trình học tập, có những học phần tương đương thì các bạn có thể chuyển điểm từ chương trình 1 sang chương trình 2. Nhờ đó, các bạn sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và trong cùng 1 khoảng thời gian có thể tốt nghiệp được cả hai chương trình đại học.”
Ngoài ra đối với ngành Cử nhân Văn học của Khoa Ngữ văn, thí sinh còn có thêm một cơ hội khác, đó là có thể học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nếu như các bạn có đam mê trở thành giáo viên dạy Ngữ văn. “Sau khi học xong chứng chỉ này, các bạn hoàn toàn có thể đi dạy được” – TS. Hồ Trần Ngọc Oanh khẳng định.
Nói về sự khác nhau của ngành Cử nhân Báo chí và Cử nhân Báo chí Chất lượng cao, TS. Hồ Trần Ngọc Oanh cũng chia sẻ thêm: Sinh viên Báo chí Chất lượng cao sẽ được học trong môi trường học tập tốt với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại. Cơ cấu sinh viên ít nên có nhiều thời gian để tương tác với giảng viên, được rèn luyện kĩ năng chuyên môn và được thực hành với các thiết bị kĩ thuật hiện đại. Điểm đầu vào và học phí của ngành Báo chí Chất lượng cao sẽ cao hơn Báo chí đại trà. Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra của ngành Báo chí Chất lượng cao đối với ngoại ngữ cũng sẽ cao hơn 1 bậc so với Báo chí đại trà. “Đây là điểm nhấn giúp sinh viên Báo chí Chất lượng cao năng động tự tin hòa nhập với môi trường quốc tế”
Kết thúc tư vấn, Khoa Ngữ văn cam kết giúp người học đạt được các chuẩn đầu ra về kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ phù hợp, tiên tiến hiện đại để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có tri thức, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Diệu Châu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn