Giáo dục và Truyền thông bảo tàng: Đổi mới trong tiếp cận công chúng
Thứ sáu - 29/10/2021 15:27
Sáng ngày 29/10, ngành Văn hóa học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tổ chức Talkshow “Giáo dục và Truyền thông bảo tàng: Đổi mới trong tiếp cận công chúng”. Chương trình có sự tham dự của Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng – Trần Văn Chuẩn, các giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn.
Từ thuyết minh viên đến giáo viên không chuyên
Với hai chức năng chính là nghiên cứu khoa học và giáo dục, bảo tàng đã và đang từng bước hoàn thiện, làm tròn vai trò của mình đối với xã hội. Chính lý do này, mô hình học tập suốt đời trong bảo tàng được triển khai và đưa vào hoạt động nhằm xác định rõ công tác giáo dục, trách nhiệm của bảo tàng.
Tại buổi nói chuyện anh Trần Văn Chuẩn chia sẻ: “Không gian học tập suốt đời tại bảo tàng với chúng tôi không chỉ giáo dục về lịch sử hay quá khứ mà còn hướng đến các vấn đề ở hiện tại. Bằng hình thức trải nghiệm trong trưng bày, trong nhiều năm qua chúng tôi đã xây dựng thành công các chương trình trải nghiệm, thu hút sự quan tâm của du khách tham quan”. Bảo tàng Đà Nẵng đã thiết kế nhiều chương trình tạo dấu ấn như: Ngược dòng kí ức – Kết nối di sản; Nghe hiện vật kể; Nghệ nhân trao truyền;… Một số chương trình kết hợp vừa học vừa trải nghiệm như Cùng con đến bảo tàng đã mở ra hướng tiếp cận và nhóm công chúng mới trong bảo tàng. Không gian học tập suốt đời tại bảo tàng yêu cầu nhiều yếu tố, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Khi du khách đến với bảo tàng, thuyết minh viên sẽ trở thành các giáo viên không chuyên, đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với sinh viên ngành Văn hóa học.
Thay đổi để thích ứng
Nhu cầu của khách tham quan đã có sự chuyển dịch, từ nhu cầu được biết sang nhu cầu được hưởng thụ. Do đó, công tác truyền thông và giáo dục trong bảo tàng cần phải thay thay đổi để đáp ứng kịp thời mong đợi của du khách. “Trước đây, chúng ta đều lấy bảo tàng làm trung tâm nhưng bây giờ khách tham quan mới là trung tâm. Hoặc, người ta luôn nghĩ người đến bảo tàng là khách tham quan, bây giờ cần xác định họ là khách hàng sử dụng dịch vụ tại bảo tàng. Bằng mọi phương thức phải thu hút lượng du khách lớn nhất đến với bảo tàng.”, anh Trần Văn Chuẩn tâm sự khi được đề cập đến sự thay đổi trong nhận thức của người làm bảo tàng.
Sinh viên ngành Văn hóa học cần làm gì?
Sinh viên ngành Văn hóa học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nói riêng và sinh viên của các trường khác nói chung có rất nhiều tiêu chí phù hợp trong công tác giáo dục và truyền thông tại bảo tàng. Tuy nhiên, các bạn cũng cần xác định rõ thế mạnh của bản thân và hướng phát triển trong tương lai. Chia sẻ tại buổi trò chuyện trực tuyến anh Trần Văn Chuẩn bày tỏ, với thời đại như hiện nay, các bạn sinh viên cần trau dồi nhiều kĩ năng quan trọng. Trong đó, sinh viên cần có các kỹ năng như: quay dựng, chụp ảnh, đồ họa, tổ chức chương trình,… Bên cạnh đó, các bạn không ngừng nâng cao kiến thức của mình trong lĩnh vực lịch sử - văn hóa và các kĩ năng bổ trợ khác để sẵn sàng thích ứng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan.
Buổi nói chuyện đã thực sự mang đến cho các bạn sinh viên nhiều thông tin bổ ích và cụ thể về vấn đề giáo dục và truyền thông bảo tàng. Đại diện cho sinh viên ngành Văn hóa học, bạn Trần Tiến Sĩ, sinh viên lớp 18CVHH chia sẻ: “Em rất may mắn khi được làm việc trực tiếp với anh Chuẩn từ đầu đến cuối chương trình và đã học tập, nhận ra nhiều điều trong giáo dục và truyền thông tại bảo tàng. Em nghĩ rằng với các bạn sinh viên cần phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, đặc biệt là sức trẻ và sự sáng tạo để phù hợp với thời đại mới”.